Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng của Hồ Chí Minh

Văn họcPhát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng của Hồ...

Ngày đăng:

0
(0)

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng của Hồ Chí Minh để thấy tình yêu thiên nhiên bao la của Hồ Chí Minh cũng như phong thái ung dung, lạc quan cùng với tấm lòng yêu nước sâu đậm của Người. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng DINHNGHIA.COM.VN tìm hiểu cũng như phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng.

Mở bài: Thiên nhiên từ lâu vốn là nguồn cảm hứng bất tận cho hồn thơ của những thi sĩ. Khi thả hồn với thiên nhiên họ vừa thể hiện sự rung cảm với vạn vật, vừa có thể bộc bạch được những nỗi niềm, tâm tư. Trong thơ xưa, sự rung cảm ấy được chắp cánh qua những vần thơ như Bác đã từng viết:

“Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ

Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong.”

(Khán “Thiên gia thi” hữu cảm)

(Thơ xưa nghiêng về yêu cảnh đẹp thiên nhiên,

Núi, sông, khói, hoa, tuyết, trăng, gió.)

Và hình ảnh trăng trong đêm rằm – một trong số những hình ảnh tiêu biểu kể trên có lẽ đã để lại ấn tượng sâu sắc để Người có thể viết nên một thi phẩm độc đáo – “Rằm tháng giêng”. Dẫu trải qua bao năm tháng kể từ khi ra đời, bài thơ vẫn để lại cho người đọc những dư ba khó quên.

Giới thiệu Hồ Chí Minh và bài thơ Rằm tháng giêng

Để phân tích và phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng cũng như cảm nhận được giá trị nội dung và nghệ thuật, người đọc cần nắm được những nét chính về tác giả và tác phẩm.

Tìm hiểu về chủ tịch Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh sinh thành tại Nghệ An – vùng đất nổi danh là quê hương của những nhân vật kiệt xuất như Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu … Với tình yêu nước nồng nàn và khát khao đi tìm lại cuộc sống tự do cho dân tộc trước ách thống trị của thực dân xâm lược.

Người ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911. Ba mươi năm bôn ba khắp năm châu bốn bể với biết bao gian truân, thử thách, năm 1941, Bác Hồ trở về nước và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở trong nước và giành được thắng lợi to lớn trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Sự kiện này là một đòn bẩy to lớn để đến ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” tại quảng trường Ba Đình khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xác lập chính thức nền độc lập và tự do cho toàn thể dân tộc. Đồng thời sự kiện này cũng ghi vào trang sử đất Việt một dấu son chói lọi của một thời đại hào hùng.

Tiếp đó, Hồ Chí Minh lại tiếp tục đồng hành với nhân dân trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ. Dường như Hồ Chí Minh đã dành một đời của mình để khắc khoải vì sự nghiệp cứu quốc và cho đến tận ngày ra đi vào năm 1969, nỗi lo ấy có lẽ vẫn canh cánh khôn nguôi. Bên cạnh những đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh còn là một nghệ sĩ có tâm hồn cao đẹp đã để lại cho đời sự nghiệp sáng tác đồ sộ với đa dạng thể loại.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Người như “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), “Tuyên ngôn Độc lập” (1945), “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (1946), “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” (1966) …, Người còn viết truyện kí: “Vi hành” (1923), “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” (1925), “Nhật kí chìm tàu” (1931) … Về thơ ca, tập thơ “Ngục trung nhật kí” (“Nhật kí trong tù”) với hàng trăm bài thơ chữ Hán đặc sắc được xem là tác phẩm đặc sắc kết tinh giá trị tư tưởng và nghệ thuật thơ ca của Hồ Chí Minh.

Đôi nét về tác phẩm Rằm tháng giêng

Khi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng, ta thấy đây là tác phẩm được sáng tác vào đầu năm 1948 sau sự kiện quân ta đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc nhưng vẫn trong thời điểm tình hình chính trị căng thẳng. Đặt bài thơ trong hoàn cảnh này ta mới thấy ở vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc một phong thái bình tĩnh, chủ động mà lạc quan để rồi ta lại thêm phần kính yêu Người hơn.

Nguyên tác bài thơ viết bằng chữ Hán theo thể thất ngôn tứ tuyệt đã chuyển tải được những rung động tinh tế của một tình yêu thiên nhiên sẵn có và sự lo lắng khôn nguôi cho sự nghiệp dân tộc. Về sau, bài thơ được dịch ra thể lục bát bởi nhà thơ Xuân Thủy.

Đôi nét về tác phẩm Rằm tháng giêng
Đôi nét về tác phẩm Rằm tháng giêng

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng của Hồ Chí Minh

Khi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng, ta thấy bức tranh thiên nhiên và con người đã hòa làm một, tâm tình là cảnh, cảnh chứa tâm tư con người… Với “Nguyên tiêu”, Hồ Chí Minh dường như đã phác họa trước mắt người đọc bức họa tuyệt mĩ trong đêm rằm đầu năm đầy thi vị, mà trong đó có những nét vẽ tươi đẹp về thiên nhiên đất trời trong một không gian và thời gian đặc biệt.

Thời gian “nguyên tiêu” trong bài thơ

Mở đầu bài thơ, Hồ Chí Minh viết:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên”

Dịch nghĩa:

“Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng đúng lúc tròn nhất”

Khi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng, ta thấy câu thơ mở đầu này giúp người đọc có hình dung dễ dàng về khoảng thời gian được nhắc đến. Đó là thời điểm đêm rằm tháng giêng – tháng khởi đầu của một năm mới. Trong thời điểm ấy, hình ảnh “nguyệt chính viên” là tâm điểm của sự chú ý bởi mang trong mình một vẻ đẹp tròn đầy, viên mãn với ánh sáng tỏa rạng khắp nơi.

Có lẽ sự kì diệu của khoảnh khắc vầng trăng bừng sáng trên cao đã thắp lên trong lòng mỗi người biết bao niềm tin, ước vọng rằng sẽ gặp được những điều tốt lành khi đón tân niên. Trong bản dịch thơ, khi kết hợp với từ láy “lồng lộng” để tạo thành một tổ hợp đảo ngữ “lồng lộng trăng soi”. Điều này đã khiến cho trăng có vẻ như không bị cố định vào môt vị trí cụ thể nào mà đã hòa vào sức chuyển động của gió để có thể tỏa sáng khắp muôn nơi. Từ láy “lồng lộng” có vẻ thường được sử dụng để miêu tả về gió trời. Với ý nghĩa này, bản dịch thơ đã phần nào thành công khi thể hiện được khoảnh khắc rực sáng của đêm trăng ngày rằm đầu năm.

Không gian “nguyên tiêu” trong bài thơ

Đến câu thơ thứ hai, nét vẽ về thiên nhiên ngày rằm lại càng rõ ràng hơn bởi qua câu thơ, ta như thấy hiện ra trước mắt cả một không gian “nguyên tiêu” rộng lớn, bao la:

“Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên”

Dịch nghĩa là:

“Sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân”

Không phải ngẫu nhiên mà từ “xuân” được tác giả lặp lại đến ba lần mà đó là một sự lặp lại hữu ý trong tổng số bảy tiếng của câu thơ. Với sự nhấn mạnh này, độc giả như tận hưởng được cảm giác có vẻ tất cả tạo vật của đất trời đều đang trỗi dậy hết sức mạnh mẽ trong sức xuân, khí xuân.

Dường như các sự vật “sông”, “nước” và “trời” đang kết nối với nhau bởi một sợi dây xuân tràn đầy sức sống. Chúng không còn là những sự vật tách biệt nhau với những ranh giới rõ ràng mà đã hòa vào nhau, liền với nhau dưới màn trăng sáng để giúp không khí xuân bao trùm lên tổng thể, ngập tràn toàn vũ trụ.

Trong tâm thức của người đọc khi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng, trăng có thể là biểu trưng cho những gì thuộc về buồn vắng, mênh mang. Thế nhưng, tại thời điểm đêm rằm, trong không gian mênh mông bất tận của đất trời vào xuân, trăng làm cho cả thời gian và không gian thêm tươi mới, ấm nồng, trăng kéo tất cả những sự vật ấy sát lại nhau, hòa vào nhau để tất cả cùng làm nên một bầu không khí xuân phơi phới, làm nên một đêm rằm mùa xuân tươi đẹp.

Hình ảnh con người trong bài thơ

Bức họa nào cũng thế, nếu như không có hình ảnh con người xuất hiện, có vẻ như sẽ khó có thể mang lại cảm giác trọn vẹn. Phải chăng vì lí do đó nên Bác mới họa vào hình ảnh những người đang miệt mài vì một trong trách lớn lao:

“Yên ba thâm xứ đàm quân sự,

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.”

Dịch nghĩa là:

“Nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng bàn bạc việc quân,

Nửa đêm quay về trăng đầy thuyền.”

Khi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng, ta thấy nếu như hai câu đầu, tác giả làm hiện diện trước mắt người đọc độ bao la, sự mênh mông của không gian thì đến hai câu sau, Hồ Chí Minh lại tập trung sự chú ý của độc giả vào hình ảnh trung tâm “đàm quân sự” trong khung cảnh “yên ba thâm xứ”. Đọc đến những câu thơ này, có lẽ ta sẽ có cảm giác thân quen về hình ảnh khói sóng bởi vì đây là một hình ảnh khá quen thuộc trong thơ cổ, chẳng hạn, trong thi phẩm “Hoàng hạc lâu” của thi sĩ Thôi Hiệu đời Đường có một câu thơ rất nổi tiếng về hình ảnh này:

“Yên ba giang thượng sử nhân sầu”

Dịch nghĩa là:

“Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến người sinh buồn”

Mặc dù cùng dùng hình ảnh “yên ba” làm thi liệu, tuy nhiên, ở câu thơ của Thôi Hiệu không khó để phát hiện khói sóng trên sông kia như khiến nỗi buồn chất chứa trong lòng nhân vật trữ tình thêm nhân lên còn “yên ba” trong câu thơ của Hồ Chí Minh lại mang một tác dụng khác. Tác dụng đó chính là xây dựng nên khung cảnh cho sự xuất hiện của hình ảnh con người trung tâm đang trong tư thế “đàm quân sự”.

Khi kết hợp cụm từ “yên ba” với “thâm xứ” lại với nhau, nhà thơ đã tạo nên một không gian sương khói mờ ảo trên sông ở chốn sâu thẳm. Trong không khí cả đất trời tạo vật đang hòa vào sắc xuân, thông thường sẽ các tao nhân mặc khách sẽ đối ẩm thưởng nguyệt, đàm đạo thi phú thì cảnh vật cũng trở nên tao nhã, nhẹ nhàng cùng con người.

Ấy vậy mà, cũng trong không gian, thời gian hết sức thơ mộng kia lại xuất hiện hình ảnh của những người con cách mạng tận tâm, tận sức bàn bạc kế sách đánh giặc. Như thế, không gian nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng giờ đây đã trở thành điều kiện đảm bảo an toàn cho công việc mang tính trọng đại quốc gia mà những người chiến sĩ đang âm thầm thực hiện. Công việc ấy tuy thầm lặng nhưng chắc chắn sẽ dễ khiến con người trở nên căng thẳng, mỏi mệt mà vô tình hờ hững với cảnh đẹp đêm trăng.

Tuy nhiên, những người chiến sĩ xuất hiện trong bức tranh thiên nhiên lại không hề phảng phất những u sầu, ủ ê. Trái lại ở họ có những cảm hứng lãng mạn rất dào dạt, đó là lí do mà có lúc họ đã tạm gác lại công việc để có thể cảm được rằng trong thời điểm “nguyên tiêu” và không gian “nguyên tiêu” một điều tuyệt vời là: “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” (Dịch thơ:“Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” – Xuân Thủy).

Có như vậy, mới thấy được ở người chiến sĩ trong thơ Bác không chỉ có chất thép trong chiến đấu mà còn có chất tình trong thưởng cảnh. Con thuyền kia trước nay vẫn đồng hành cùng Bác, cùng các chú bộ đội để làm quân sự phút chốc được nhà thơ khéo léo biến thành con thuyền thơ, con thuyền của ánh sáng. Chính tính chất cao cả của công việc đã làm phát sáng không gian của đoạn sông, của chiếc thuyền, làm bừng lên hình ảnh của con người giữa trung tâm của tạo vật.

Từ “ngân” trong bản dịch thơ được sử dụng thật đẹp. Nói như vậy là bởi nó đã khiến cho ánh sáng của vầng trăng trên cao không chỉ soi xuống và lan tỏa ra không gian mênh mông vô cùng của mặt nước, lòng sông mà còn phản chiếu ánh sáng lên khoang thuyền để chiếu rọi vào tâm hồn của con người nơi ấy – nơi có niềm tin bất diệt về sự chiến thắng của chính nghĩa.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng, ta thấy đến lúc này, Hồ Chí Minh đã khiến con người và thiên nhiên như hòa chung trong một nhịp đập, thể hiện một quy luật âm thầm mà tất yếu: Khi con người rung cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên thì thiên nhiên cũng sẵn sàng hòa điệu cùng tâm hồn con người.

Đánh giá khi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng

Nhìn lại tổng thể khi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng, có thể thấy rằng về nội dung, bài thơ đã khắc họa khung cảnh tuyệt vời về bầu trời, dòng sông trong đêm trăng ngày rằm tháng giêng. Đồng thời, tác giả cũng phần nào tái hiện hiện thực về cuộc kháng chiến chống Pháp của Bác Hồ và các vị lãnh đạo tại chiến khu Việt Bắc. Xét về phương diện nghệ thuật, đây là một tác phẩm đặc sắc của Hồ Chí Minh với hình thức thất ngôn tứ tuyệt viết bằng chữ Hán, không chỉ thành công trong việc sử dụng điệp từ mà còn cho thấy hiệu quả trong việc lựa chọn từ ngữ gợi hình, biểu cảm.

Kết bài: “Rằm tháng giêng” – một bài thơ có phần ngắn gọn về từ ngữ nhưng quả thật lại rất sâu sắc khi đã làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ, đồng thời cũng là nhà chiến sĩ Hồ Chí Minh với những rung cảm tinh tế, lạc quan trước vẻ đẹp của thiên nhiên mặc dù đang trong giai đoạn hết sức gian khó của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Dàn ý phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng

Để khái quát hóa về giá trị nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm, qua việc phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng, các em cần tạo được dàn ý cho bài viết như sau:

Mở bài phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng

  • Giới thiệu tác phẩm Rằm tháng giêng và hoàn cảnh sáng tác.
  • Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác bài thơ.
  • Đề cập giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Thân bài phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng

  • Bài thơ Rằm tháng giêng qua không gian của bài thơ.
  • Không gian “nguyên tiêu” trong Rằm tháng giêng.
  • Hình ảnh con người trong bài thơ Rằm tháng giêng.

Kết bài phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng

  • Tóm tắt lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
  • Tài năng nghệ thuật cùng tình yêu đất nước thiên nhiên của Hồ Chí Minh.

Xem thêm:

Có thể thấy, bài thơ “Rằm tháng giêng” đã thể hiện cụ thể bức tranh đêm trăng trên sông nước thật đẹp, đồng thời bộc lộ tấm lòng yêu dân, yêu nước cũng như yêu thiên nhiên sâu sắc của vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già kính yêu của dân tộc. Hy vọng qua bài viết về chủ đề phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng mà DINHNGHIA.COM.VN đã cung cấp trên đây sẽ hữu ích với bạn trong quá trình học tập. Chúc bạn luôn học tốt!

Bạn thấy bài viết này hữu ích chứ?

Hãy chọn vào ngôi sao để đánh giá bài viết

Đánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết

Hãy để lại bình luận

Xem nhiều

Bài tin liên quan

1C bằng bao nhiêu µC? Quy đổi từ Microcoulomb sang Coulomb

Khi nhắc đến đơn vị đo điện tích thì...

1 kN bằng bao nhiêu N? Chuyển đổi Kilonewton sang Newton

Bạn đã từng nghe về đơn vị đo lực...

1kg bằng bao nhiêu hg, mg, µg, lb? Cách quy đổi khối lượng nhanh

Kg là đơn vị được ứng dụng nhiều trong...

1 dag bằng bao nhiêu g? Cách quy đổi từ Đềcagam sang Gam

Trên thực tế, đơn vị đo khối lượng decagram...