Nhắc đến Nhật Bản chắc hẳn ai cũng nhớ đến loài hoa anh đào đặc trưng. Thế nhưng theo các du khách, ẩm thực cũng là một điểm để níu chân họ, đặc biệt là món bánh Wagashi. Hãy cùng DINHNGHIA tìm hiểu về món bánh mang nét đặc trưng này của Nhật bản nhé.
Nội dung bài viết
Bánh Wagashi là gì?
Wagashi là một món bánh truyền thống của Nhật Bản, bánh được làm từ gạo, kê, các loại ngũ cốc khác cùng với các loại hạt và trái cây. Loại bánh này được dùng cùng trà, không chỉ hương vị mà vẻ ngoài của bánh cũng mang tính thẩm mỹ cao.
Tên Wagashi nghĩa là bánh hoa và thực tế, hình dạng cảu bánh là 1 bông hoa, chiếc lá hay 1 loại quả nào đó. Loại bánh này từ lâu đã trở thành một đại diện cho văn hóa ẩm thực của người Nhật. Chúng cũng dần đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của người dân.

Nguồn gốc của bánh Wagashi
Từ thời Yayoi (300 TCN), bánh Wagashi đã được dùng để tế thần. Đến thời Edo (603 – 1867) món bánh này bắt đầu được phổ biến rộng rãi hơn. Wagashi không chỉ để tế thần mà còn là món tráng miệng cho tầng lớp quý tốc tại Nhật Bản.
Đến những năm Minh Trị (1868 – 1912) Nhật Bản bắt đầu mở rộng ngoại giao với phương Tây. Nhờ đó mà món bánh này cũng dần được giới thiệu rộng rãi và được thế giới xem như một món bánh đặc trưng của nền ẩm thực Nhật Bản.
Ý nghĩa của bánh Wagashi
Theo tiếng Hán Wagashi là “Hòa quả tử” nghĩa là vẻ đẹp thiên nhiên. Mỗi một loại Wagashi đều được tạo ra từ những hình ảnh của thiên nhiên như bông tuyết, lá phong, hoa đào,… Bên trong nhân bánh là đậu đỏ tượng trưng cho con người đứng giữa trung tâm.
Sự ẩn ý này chính là một ý nghĩa vô cùng lớn lao rằng: Con người và thiên nhiên sẽ chung sống chan hòa với nhau giữa trời đất bao la rộng lớn.

Vì sao nhắc đến Wagashi là nhắc đến nghệ thuật “đánh thức 5 giác quan”
Món bánh này được xem là món bánh có khả năng “đánh thức” 5 giác quan của con người. Vậy nên việc thưởng thức Wagashi cũng là một nghệ thuật, bạn phải “biết cách” mới có thể cảm nhận được trọn vẹn cái ngon, đẹp của chiếc bánh.
- Thị giác: Bánh mang cho mình một vẻ đẹp súc tích với ý vị từ thơ, họa. Hình dáng và màu sắc của từng chiếc bánh cũng là một bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên xứ Phù Tang.
- Vị giác: Với từng miếng bánh, người dùng có thể cảm nhận được hết từng hương vị đặc trưng và tươi mới của các loại đậu hũ, ngũ cốc bổ dưỡng.
- Xúc giác: Bánh có thể được tạo nên từ sự ẩm ướt, mềm mại hoặc giòn tan khác nhau, vậy nên bạn chỉ có thể cảm nhận khi cầm bánh.
- Khứu giác: Sự hòa hợp giữ những nguyên liệu tự nhiên làm Wagashi có một mùi thơm ngọt lành, thoang thoảng mà không mất đi ý thi vị của thức uống kèm theo.
- Thính giác: Với người Nhật, việc thưởng thức Wagashi ở các buổi tiệc trà đi cùng với thơ ca, nhạc họa về một mùa bất kỳ trong năm. Tên gọi của các loại Wagashi cũng được trích ra từ những bài thơ hay, kinh điển đặc trưng về mùa nào đó của năm.

Phân loại bánh ngọt Wagashi
Namagashi
Namagashi là những loại bánh tươi, có độ ẩm trên 30%. Có các dạng chế biến đặc thù như là bánh Mochi (Mochimono), bánh hấp và bánh chiên.
Dạng bánh Mochi là loại bánh được làm từ gạo tẻ hay gạo nếp là chính, được chế biến theo phương pháp làm bánh Mochi. Bên cạnh đó còn có các loại bánh nướng, bánh nhào nắn thủ công (Nerimono) hay bánh dạng thạch (Nagashimono).

Hannamagashi
Với Hannamagashi, bánh chỉ có độ ẩm khoảng từ 10 – 30%. Bánh có hai dạng chế biến đặc thù là Anmono và Okamono. Nếu Anmono có lớp vỏ mỏng với phần nhân là đậu nghiền nhão. Thì Okamono là loại bánh kết hợp giữa những thành phần chế biến độc lập.
Song song đó, Hannamagashi cũng có các loại bánh nướng, bánh dạng thạch, bánh nhào nắn thủ công tương tự Namagashi.

Higashi
So với hai loại kể trên thì Higashi chỉ có độ ẩm dưới 10%, đặc trưng của bánh chính là sự khô, cứng. Dạng bánh đặc thù của Higashi là Uchimono. Loại bánh này được làm từ các loại bột, siro, đường, hỗn hợp sau khi nhào mịn sẽ được nén vào khuôn gỗ tạo hình, xông hơi nước trên bề mặt và sấy khô.
Còn dòng Kakemono với nguyên liệu chính là đậu rang, bích quy, thạch rau câu hay hạt phỉ và rưới thêm nước xirô hoặc sô cô la bên ngoài. Được cán phẳng để tạo độ nhẵn bóng trên bề mặt bánh. Bên cạnh đó còn các loại kẹo, đậu sấy, bánh gạo, bánh nướng và bánh chiên.

Các loại bánh Wagashi độc đáo cho cả năm
Hanabiramochi – tháng 1
Hanabiramochi mang ý nghĩa là mochi cánh hoa, được dùng vào những ngày đầu năm. Bánh có lớp vỏ màu trắng hình bán nguyệt, chính giữa được phủ màu hồng phấn, càng về phía mép màu hồng càng phai nhạt. Nhân bánh được làm từ đậu ngọt.
Người ta thường dùng một dải ngưu bàn đâm xuyên bánh và chìa ra phần đầu ở hai bên vỏ bánh. Mỗi phần trên bánh đều có một ý nghĩa riêng biệt. Màu hồng tượng trưng cho hoa mơ với sự thuần khiết, bền bỉ. Dải ngưu bàn là hình ảnh cá ayu như lời cầu nguyện một cuộc sống yên bình, an nhiên.

Kantsubaki – tháng 2
Tháng 2 với tên gọi Kantsubaki có hình dáng một đóa hoa sơn trà tượng trưng cho vẻ đẹp băng giá của tháng 2 xứ Phù Tang. Bánh được điểm xuyến bằng một nhụy hoa màu vàng bắt mắt. Bánh là sự kết hợp giữa vị béo ngậy, thơm nồng của lớp vỏ bánh màu hồng làm từ bột Nerikiri dẻo mịn, trắng ngần.

Warabimochi – tháng 3
Đây là loại bánh nổi tiếng của vùng Kansai, Nhật Bản. Warabimochi được ví như một món quà từ mùa hè tháng ba, để nhắc lại những năm tháng tươi đẹp ngày trước. Khi ăn, bạn sẽ lập tức cảm nhận được một mùi thơm nồng nàn, hương vị mát mẻ lại ngọt ngào hòa hợp cùng độ dai mềm của bánh.

Sakuramochi – tháng 4
Tháng 4 đến, cả Nhật Bản như được bao phủ bởi những đóa anh đào rực rỡ, chính vì lẽ đó Sakuramochi ra đời. Món bánh có màu hồng quyến rũ cùng hương thơm thanh ngọt được gói trong lá của hoa anh đào.
Người ta sẽ dùng bột Domyoji hay bột mì để làm ra loại bánh này. Đây cũng là loại bánh Wagashi nổi tiếng khắp thế giới bởi vẻ đẹp của nó.

Kashiwa mochi – tháng 5
Kashiwa mochi là loại bánh thường dùng vào tháng 5 dành cho trẻ em ở xứ sở mặt trời mọc. Bánh có lớp vỏ trắng mịn được tạo thành hình bán nguyệt, bên trong có thể là nhân đậu hay những loại mứt ngọt. Bánh thường được gói trong lá sồi với ý nghĩa vươn lên, thể hiện ý chí của một đấng nam nhi.

Ajisai – Tháng 6
Ajisai mang đến ấn tượng đầu tiên là vẻ đẹp tinh tế của nó. Bánh được bao bọc bởi lớp vỏ ngoài bằng thạch màu xanh tím nhạt, nhìn qua như một đóa cẩm tú cầu cuốn hút và đẹp mắt. Nguyên liệu chính của bánh là bột từ rễ sắn dây rừng. Bên trên bánh sẽ đặt một chiếc lá xanh thể hiện cho thiên nhiên mùa mưa tháng 6.

Rakugan – Tháng 7
Là một trong ba loại bánh được xếp vào danh sách bánh trà đạo của Nhật Bản, Rakugan là loại bánh ngọt được làm từ bột gạo trộn cùng mạch nha và được bột. Sau đó được ép vào khuôn gỗ để tạo ra những miếng bánh chạm khắc độc đáo và được đem đi sấy khô.
Rakugan có nhiều màu sắc nhưng chủ đạo thường là hồng hoặc trắng. Lúc đầu, Rakugan có hình như những thỏi mực thư pháp, nhưng thời gian gần đây, Rakugan lại mang nhiều hình dáng hiện đại và dễ thương.

Mizuyokan – Tháng 8
Mizuyokan là một loại bánh mang hình dạng như một khối thạch hình chữ nhật. Bánh được làm từ bột đậu đỏ azuki, đường và kanten. Vẻ ngoài tuy có phần đơn điệu nhưng loại bánh này lại có hương vị rất ngon, nhất là khi kết hợp cùng matcha. Khi thưởng thức, bạn sẽ nếm được vị ngọt của đậu đỏ, vị đắng matcha được hòa quyện cùng nhau một cách hoàn hảo.

Kikunoka – Tháng 9
Kikunoka mang hình dáng của đoá cúc Kiku – một loài hoa nở vào mùa thu ở Nhật Bản. Vào mùa thu tháng 9, người Nhật lại làm loại bánh này để thưởng thức. Bánh được nắn thành hình hoa cúc, chính giữa điểm thêm nhụy hoa màu vàng nhạt. Tôn lên nét đẹp của thanh tao, nhã nhặn như một cô gái thanh lịch khiến người khác mê đắm.

Icho – Tháng 10
Icho được xem là một loại bánh có tạo hình đơn giản nhất trong 12 loại bánh. Bánh được làm nên từ một loại bột vàng, có hình cánh hoa rẻ quạt nhìn rất bắt mắt. Bánh có hương vị thanh mát và giá trị dinh dưỡng khá cao.

Momiji – Tháng 11
Nếu tháng 4 Nhật bản được phủ hồng bởi hoa anh đào thì đến tháng 11 xứ sở Phù Tang lại được tô vàng bởi những lá thông. Vậy nên Momiji – một loại bánh có hình lá thông xuất hiện cũng không có gì lạ. Bánh được làm từ bột đậu có hương vị ngọt ngào cùng độ dinh dưỡng cao.

Yuzumochi – Tháng 12
Yuzumochi được làm từ quả Yuzu thơm nồng, đó một giống quýt lai của Nhật Bản đại diện cho các loại quả mùa đông. Vì thế bánh mang vẻ đẹp lạnh giá tựa như thiên nhiên tháng 12. Để làm bánh người Nhật sẽ bào nhỏ vỏ của quả Yuzu rồi trộn với bột gạo, đem đi hấp chín. Cuối cùng, bọc lấy lớp nhân An ở bên trong.

Xem thêm:
- Pancake là gì? Các loại pancake và cách làm pancake cực đơn giản
- Bánh Waffle là gì? 3 Cách làm món bánh Waffle chuẩn vị châu Âu
- Bánh Pretzel là gì? Thành phần dinh dưỡng của bánh Pretzel
Qua bài viết trên, DINHNGHIA đã cùng các bạn tìm hiểu món bánh Wagashi nổi tiếng của Nhật Bản về nguồn gốc, ý nghĩa của chúng. Hi vọng bài viết trên có thể cung cấp thêm cho bạn nhiều thông tin hơn về loại bánh này.