Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu – Ngữ Văn 12

0
(0)

Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc là một trong những bức tranh đặc sắc góp phần tô điểm cho nội dung của bài thơ. Đó là hình ảnh thiên nhiên nên thơ và hùng vĩ, vừa là tri kỉ với con người lại vừa gắn bó với cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc. Hãy cùng DINHNGHIA.COM.VN tìm hiểu, phân tích và cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu qua bài viết dưới đây.

Thiên nhiên là đề tài muôn thuở trong thi ca và cũng là tri kỉ của thi nhân. Vì vậy, từ văn học bình dân đến văn học bác học, từ văn học trung đại đến văn học hiện đại, thiên nhiên vẫn luôn chiếm một vị trí quan trọng. Và Tố Hữu cũng không phải là một ngoại lệ. Thiên nhiên trong sáng tác của Tố Hữu không phải khung cảnh thiên nhiên thanh tao, thoát tục như thi nhân xưa, mà mang một vẻ đẹp dung dị nhưng không kém phần hùng tráng. Bởi lẽ thiên nhiên ấy được nhìn nhận trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt – cách mạng. Vẻ đẹp thiên nhiên ấy được thể hiện rõ trong bài thơ Việt Bắc. Cùng phân tích và cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc qua những tìm hiểu dưới đây.

Đôi nét về nhà thơ Tố Hữu và bài thơ Việt Bắc

Việt Bắc được Tố Hữu sáng tác trong một hoàn cảnh lịch sử mang đậm tinh thần dân tộc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã mở ra một trang sử mới cho dân tộc. Tháng 10 năm 1954, các cơ quan Trung ương của Đảng và chính phủ chuyển từ Việt Bắc trở về Hà Nội.

Lúc cán bộ về xuôi cũng chính là thời điểm giao thời của lịch sử. Lòng người trong cuộc sống yên ổn, hạnh phúc ấy dễ làm người ta quên đi cội nguồn của chiến thắng quên đi quá khứ. Vì vậy, tác phẩm ra đời để gợi nhắc về cuộc sống ân tình thủy chung của người cán bộ và nhân dân Việt Bắc. Bên cạnh mối ân tình ấy, trong bài thơ Việt Bắc, ta còn bắt gặp bức tranh thiên nhiên tươi đẹp nơi đây.

Phân tích và cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc

Thiên nhiên Việt Bắc vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ

Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc được đặc tả nổi bật nhất qua bức tranh tứ bình – xuân, hạ, thu, đông. Thiên nhiên ấy dung dị như chính con người nơi đây. Một vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc nhưng không kém phần hùng vĩ.

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Chỉ với bốn cặp câu mà Tố Hữu đã khéo léo vẽ nên bức tranh bốn mùa đầy sức sống. Bức tranh ấy không chỉ có cảnh mà còn có người. Từng cặp câu hiện ra với những đường nét riêng biệt. Câu lục miêu tả cảnh thiên nhiên đẹp, câu bát làm nổi bật hình ảnh con người dồi dào sức sống; tất cả hợp thành bộ tranh tứ bình xuân-hạ-thu-đông đẹp một cách lạ kỳ. Bức tranh thiên nhiên mùa đông mở đầu cho bức tranh bốn mùa

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

Không gian thiên nhiên rộng lớn bao la khoác trên mình một màu xanh đặc trưng của núi rừng. Sắc xanh trầm lắng tĩnh tại của rừng già được điểm xuyết thêm bằng sắc đỏ của hoa chuối. Trong không gian hùng vĩ của núi rừng, sự xuất hiện của sắc đỏ làm bừng sáng cả một góc từng, rực rỡ nhưng không chói lóa. Sắc đỏ ấy gợi cho ta liên tưởng đến câu thơ của Nguyễn Trãi trong bài thơ “Cảnh ngày hè” – “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ”.

Trong không gian mùa đông, ta thường cảm thấy lạnh lẽo, hoang vu nhưng trong hai câu thơ của Tố Hữu khung cảnh không u ám như khí trời mùa đông mà ấm áp, tươi đẹp đến lạ. Cùng với đó là ánh nắng mặt trời chiếu rọi khiến khung cảnh thêm phần tráng lệ. Hình ảnh con người hiện lên trên đèo cao vách núi gợi tư thế của con người trong lao động. Con người và thiên nhiên cùng điểm tô vẻ đẹp cho nhau.

Khi cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc, ta thấy dòng thời gian bốn mùa không đi theo trật tự quen thuộc – xuân, hạ, thu, đông mà đi theo một kết cấu đặc biệt – đông, xuân, hạ, thu. Tiếp nối bức tranh mùa đông là mùa xuân ấm áp tươi vui đã đến.

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

Ngày xuân trong thơ ca thường được nhắc đến với hình ảnh mai vàng rực rỡ hay sắc hồng dịu dàng của hoa đào hay cánh én chao liệng giữa trời. Nhưng trong thiên nhiên Việt Bắc, mùa xuân được điểm tô bằng sắc trắng của hoa mơ. Tưởng chừng có vẻ lạ lẫm nhưng thực chất đây mới chính là mùa xuân của đất trời nơi rừng núi.

Xuân đến cây cối đâm chồi nảy lộc nhưng sau tất cả đọng lại trong ký ức tác giả chỉ có rừng mơ. Màu xanh giờ đây phải nhường chỗ màu trắng tinh khôi. Chỉ với cụm từ “trắng rừng”, Tố Hữu đã phác họa được cả một không gian rộng lớn, làm cả vùng rừng núi như bừng sáng, mọi vật như thức dậy sau một giấc ngủ đông dài. Trên nền phong cảnh ấy là hình ảnh “người đan nón” âm thầm lặng lẽ hái măng. Con người không thưởng ngoạn khung cảnh mà sống và lao động trong khung cảnh ấy.

“Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình”

Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc, người đọc thấy bức tranh càng hoàn thiện hơn với sự xuất hiện của mùa hè. Mùa hè được báo hiệu bằng tiếng ve ngân vang. Mùa hè đến thường được báo hiệu bằng tiếng ve bằng những chùm phượng vĩ rực đỏ. Tố Hữu lại một lần nữa đem cái hồn của núi rừng Việt Bắc thổi vào trong bài thơ. Sự lựa chọn “rừng phách đổ vàng” đem đến một hiệu ứng đặc biệt. Bởi lẽ, màu vàng thường được dùng để diễn tả mùa thu

“Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô?”

(Tiếng thu – Lưu Trọng Lư)

Nhưng màu vàng ấy trong thơ của Tố Hữu lại được dùng để đặc tả mùa hè của Việt Bắc. Tác giả đã sử dụng tinh tế từ “đổ”, vừa thể hiện sự đồng loạt vừa thể hiện sự nhanh chóng. Sự thay đổi ấy không chỉ trong thời gian – chuyển từ xuân sang hè mà còn là sự thay đổi của không gian – từ màu xanh sang màu vàng của không gian.

Đọc câu thơ, ta có cảm tưởng chính tiếng ve là nguyên nhân là tiếng chuông đánh thức cả khu rừng đồng loạt thay áo. Câu thơ không chỉ có âm thanh mà còn có màu sắc. Hai yếu tố ấy đã tạo nên khung cảnh sống động của thiên nhiên: màu vàng của rừng phách hòa cùng tiếng ve trong gió – đặc trưng của mùa hè cộng hưởng cùng tín hiệu của mùa hè dường như có gì đó bất ngờ xôn xao khó tả.

Cảm nhận về vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc, ta thấy hình ảnh con người “hái măng một mình” thêm một lần nữa là vẻ đẹp của sự thầm lặng và cần mẫn với công việc. Trong hoài niệm của tác giả, hình ảnh ấy là một nét gợi nhớ sinh động và đầy xúc cảm.

Nhưng bức tranh thiên nhiên thanh bình nhất phải nằm ở mùa thu:

“Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Nếu thiên nhiên đông, xuân, hạ được khắc họa vào thời điểm ban ngày thì chỉ duy nhất thiên nhiên mùa thu là được khắc họa vào thời gian đêm tối. Không như thi nhân xưa – “ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu”, Tố Hữu phác họa bức tranh mùa thu bằng ánh trăng chiếu rọi.

Điều đặc biệt ánh trăng ấy là ánh trăng của hòa bình. Đây cũng chính là ánh trăng mà biết bao người mong đợi. Và kết lại cũng chính là hình ảnh con người được thể hiện qua tiếng hát tâm tình cùng ánh trăng mang theo bao hi vọng về một tương lai hạnh phúc tươi đẹp và thể hiện được tình cảm thiết tha ân tình, son sắt gắn bó với cách mạng.

Thiên nhiên Việt Bắc vừa thơ mộng trữ tình vừa hùng vĩ tráng lệ. sự hùng vĩ ấy không chỉ đến từ không gian rộng lớn mà còn đến từ cảm tâm thế của con người trong một thời đại lớn lao của lịch sử.

Thiên nhiên Việt Bắc vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ
Thiên nhiên Việt Bắc vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ

Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc gắn liền với công cuộc kháng chiến

Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc, người đọc cũng cảm nhận được thiên nhiên ấy không chỉ là phong cảnh mà còn là người bạn đồng hành cùng con người trong kháng chiến. Cuộc kháng chiến diễn ra không chỉ có sự tham gia của toàn thể nhân dân mà còn có sự tham gia của cả thiên nhiên.

“Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh tây

Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội rừng vây quân thù

Mênh mông bốn mặt sương mù

Đất trời ta cả chiến khu một lòng”

Hình ảnh quân giặc hiện ra với lực lượng hùng hậu cùng vũ khí hiện đại. Mặc dù có sự tương quan chênh lệch lực lượng lớn nhưng ta đã có một đồng đội quan trọng – thiên nhiên. Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc còn thể hiện khi thiên nhiên cùng con người tham gia vào công cuộc kháng chiến. thiên nhiên chở che bộ đội, ngăn cản cuộc tiến công của kẻ thù. Dường như trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, tất cả các nhân tố đều cùng đồng lòng hướng về một mối – tổ quốc thân yêu.

Thiên nhiên cũng đã đóng góp hết mình cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Thiên nhiên đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vai trò của nó trong cuộc kháng chiến vừa trở thành ngôi nhà cho các chiến sĩ, vừa trở thành trận địa mai phục tiêu diệt quân thù. Ta đã tận dụng hết mọi yếu tố của tự nhiên từ địa hình – rừng núi cho đến thời tiết – sương mù. Cả đất trời cùng con người đồng tâm hiệp lực tiêu diệt kẻ thù. Có thể thấy, vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc tạo nên một xúc cảm đặc biệt trong lòng người đọc.

“Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”

Qua đó, những dòng thơ tuy cô đọng nhưng đã gợi được hào khí của cả một thời đại anh hùng, một dân tộc anh hùng, một thiên nhiên anh hùng. Vẻ đẹp của thiên nhiên không chỉ đơn giản là phong cảnh hữu tình mà còn ở vai trò của nó với cuộc cách mạng. Phân tích và cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc, người đọc nhận thấy thiên nhiên luôn có mặt và dõi theo từng bước chân con người, từng chuyển biến lịch sử.

Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc gắn liền với hình ảnh con người

Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”

(Tiếng hát con tàu)

Thiên nhiên Việt Bắc còn đặc biệt bởi lẽ nó gắn liền và gợi nhắc đến nhân dân Việt Bắc. Đó cũng chính là vẻ đẹp của thiên nhiên gắn chặt với ký ức của nhà thơ về con người nơi đây.

“Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”

Thiên nhiên của “núi”, “sông” đã trở thành chứng nhân cho quân dân thắm thiết. Cây gợi liên tưởng đến núi, sông gợi liên tưởng đến nguồn là một điều hiển nhiên nhưng liệu người chiến sĩ về xuôi có còn nhớ thiên nhiên, nhớ nghĩa tình với người dân Việt Bắc không? Mười lăm năm gắn bó với biết bao kỷ niệm.

“Mình đi có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù

[…]

Mình về rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng măng mai để già.

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son.”

Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc còn hiện lên với sự gắn bó và sẻ chia cùng con người những khó khăn thử thách. Vì vậy, hình ảnh ấy, tình cảm ấy đã khắc sâu vào tâm khảm nhà thơ cũng như các chiến sĩ. Dù đó là “mưa nguồn suối lũ”, là “những mây cùng mù”, là “hắt hiu lau xám” nhưng đều quan trọng nó gắn liền với tình quân dân Việt Bắc lúc nào cũng “đậm đà lòng son”.

Dù mọi chuyện đã qua nhưng từng ký ức trở về sống động như chỉ mới hôm qua. Câu thơ “Mình về rừng núi nhớ ai” vang lên nghe thật da diết. Rừng núi đã trở thành người bạn tri kỉ của nhân dân Việt Bắc và cũng trở thành bạn tâm giao cùng người chiến sĩ trong những tháng năm ở đây.

Người chiến sĩ về xuôi để lại bao luyến tiếc không chỉ cho con người mà còn cho cảnh vật nơi đây. Người chiến sĩ đi rồi thì “trám bùi”, hay “măng mai” bỗng chốc cũng trở nên cô đơn đành “để rụng”, “để già” mà thôi. Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc ngọt ngào cũng bởi nó gợi nhắc đến bao kỷ niệm ngọt ngào nơi đây

“Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.”

Người chiến sĩ đi rồi nhưng sẽ mãi nhớ “trăng lên đầu núi”, nhớ “nắng chiều lưng nương”, nhớ “bản khói cùng sương”, nhớ cả “rừng nứa bờ tre”. Những sự vật tưởng chừng vô hồn nhưng bỗng chốc trở nên sinh động gần gũi bởi nó chứa đầy tình cảm, gợi nhắc về một thời gắn bó quấn quýt bên nhau. Phép liệt kê kết hợp với cách điệp từ “nhớ” khiến ta có cảm giác những kỷ niệm chợt ùa về như một cuốn phim quay chậm.

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người”

Vận dụng nhuần nhuyễn chất liệu dân gian, Tố Hữu đã khiến lời thơ trở thành tiếng hát. Lấy cấu tứ từ văn học dân gian

“Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”

(Ca dao)

Nhưng Tố Hữu đã thổi cả tâm tư tình cảm của mình vào đó. Nhớ về Việt Bắc là nhớ về tất cả những gì tươi đẹp nhất nơi đây. Hoa là biểu tượng cho những gì tươi đẹp nhất của thiên nhiên. Con người là kết tinh tươi đẹp nhất của đất trời. Trong nỗi nhớ của người ra đi, hai hình ảnh ấy lồng vào nhau – hoa cùng người. Thiên nhiên và con người tuy hai mà một không thể tách rời. Vì vậy nhớ về Việt Bắc là nhớ về con người nơi ấy cũng là đồng thời nhớ về thiên nhiên tươi đẹp nơi đây.

Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc gắn liền với hình ảnh con người
Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc gắn liền với hình ảnh con người

Đánh giá nội dung và nghệ thuật của bài thơ Việt Bắc qua hình ảnh thiên nhiên

Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc, ta thấy Tố Hữu không lựa chọn những vẻ đẹp mỹ miều đầy tính ước lệ mà ông lại khéo léo lựa chọn và phác họa một cách tinh tế những gì đặc biệt nhất của núi rừng thiên nhiên Việt Bắc. Chỉ qua vài đường nét mà ta có thể cảm nhận được cả một thiên nhiên rộng lớn của Việt Bắc.

Thiên nhiên Việt Bắc hoang sơ mộc mạc nhưng lại tươi đẹp tràn đầy sức sống. Vẻ đẹp của thiên nhiên hài hòa cùng vẻ đẹp của con người gợi nhắc đến bao kỷ niệm gắn bó, gợi nhắc đến tình quân dân bền chặt. Thiên nhiên không chỉ là phong cảnh vô hồn mà còn là người bạn đồng hành cùng con người trong cuộc sống lao động, trong công cuộc kháng chiến. Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc không chỉ đẹp bởi sự bao la hùng vĩ của núi rừng mà còn bởi nó được đặt trong một khí thế hào hùng của một giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm.

Như vậy, khi phân tích và cảm nhận về vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc, ta thây đây là một bức tranh tuyệt đẹp mà do bàn tay tài hoa của Tố Hữu vẽ lên, được gợi tả qua những vần thơ lục bát thật sinh động như có thần. Bức tranh thiên nhiên ấy có cảnh, có người, trong đó con người giao hòa với thiên nhiên. Tìm hiểu về bài thơ, chúng ta đang ở giữa núi rừng Việt Bắc mà chiêm ngưỡng những cảnh sắc bốn mùa xuân, hạ, thu, đông vậy. Như vậy, thiên nhiên Việt Bắc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu quả là hình ảnh rất đẹp, vừa mang yếu tố của một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ kỳ thú, vừa mang yếu tố lịch sử và chính trị sâu sắc.

Xem thêm:

Hy vọng qua bài viết về chủ đề phân tích và cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc đã giúp bạn có thêm những kiến thức hữu ích cho quá trình học tập của mình. Chúc bạn luôn học tốt!

Bạn thấy bài viết này hữu ích chứ?

Hãy chọn vào ngôi sao để đánh giá bài viết

Đánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết

Hãy để lại bình luận

Xem nhiều

Bài tin liên quan

Mạng 5G là gì? Mạng 5G khi nào phủ sóng toàn quốc?

Mạng 5G là bước tiến vượt bậc trong công...

Mạng 4G là gì? Có nhanh không? 4G và LTE khác gì nhau?

Mạng 4G, ra đời vào năm 2010, là thế...

3G là gì? Tốc độ của mạng 3G là bao nhiêu? Khác gì với 2G và 4G

Mạng 3G, ra đời vào đầu những năm 2000,...

Mạng 2G là gì? Tại sao cắt mạng 2G? Khi nào cắt?

Mạng 2G, công nghệ di động phổ biến từ...