Tìm hiểu về phong cách thơ Tố Hữu qua một số tác phẩm để thấy phong cách thơ của ông luôn gắn bó với những chặng đường Cách mạng đầy hy sinh và gian khổ của dân tộc. Trải qua biết bao biến động thăng trầm, bao biến cố gian lao của đất nước suốt những năm tháng kháng chiến, thơ Tố Hữu song hành và phản ánh chân thực cuộc sống chiến đấu của nhân dân. Bài viết dưới đây của DINHNGHIA.COM.VN sẽ giúp bạn phân tích phong cách thơ Tố Hữu qua một số tác phẩm cũng như khái quát dàn ý phong cách thơ Tố Hữu một cách ngắn gọn nhất, cùng tìm hiểu nhé!.
Mở bài: Nhắc đến Tố Hữu, người đời thường nghĩ ngay đến hình ảnh của người chiến sĩ nhiệt thành cách mạng và đồng thời cũng là nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam ở mảng thơ ca. Cũng như biết bao những văn nhân thi sĩ tài ba của nước nhà, Tố Hữu cũng thể hiện phong cách sáng tác của riêng mình trong những thi phẩm. Đặc biệt, thông qua phong cách sáng tác ấy, nhà thơ đã thể hiện tấm lòng sâu nặng của mình đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng thời đó cũng là cách để ông bày tỏ những quan điểm tư tưởng và cái nhìn của mình đối với nghệ thuật.
Nội dung bài viết
Những nét chính về nhà thơ Tố Hữu
Tố Hữu (1920 – 2002), tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh tại thị xã Hội An (tỉnh Quảng Nam) nhưng quê gốc của ông lại thuộc làng Phù Lai (nay thuộc xã Quảng Thọ), huyện Quảng Điền, tình Thừa Thiên – Huế. Mặc dù cuộc sống gia đình thuở ấu thơ của Tố Hữu phải trải qua những ngày tháng chật vật vì nỗi lo cơm áo nhưng điều đó không thể ngăn cách được Tố Hữu với niềm yêu thích thơ ca.
Một điều may mắn mà Tố Hữu có được chính là việc thân sinh của nhà thơ vốn là một nhà nho có kiến thức uyên thâm về thơ ca cổ điển. Nhờ vậy, Tố Hữu cũng đã ít nhiều học tập được cách làm thơ ngay từ nhỏ từ người cha đáng kính của mình.
Không chỉ vậy, ông còn có một người mẹ có vốn hiểu biết rất sâu sắc với ca dao, dân ca xứ Huế, điều này giúp chúng ta có thể dẫ dàng hiểu được vì sao thơ ông lại thường có những dòng viết dạt dào cảm xúc đến như vậy.
Tố Hữu bước vào tuổi trưởng thành trong thời điểm Mặt trận Dân chủ đang diễn ra những phong trào sôi nổi. Là một trí thức nhận thức rất rõ về lí tưởng cao đẹp của cách mạng dân tộc.
Tố Hữu đã nhanh chóng trở thành một người chiến sĩ và ít lâu sau đã đảm nhiệm nhiều vai trò lãnh đạo quan trọng. Chính vì sự kiên trì và sự chín chắn trong công tác, Tố Hữu đã có những đóng góp rất quan trọng và về sau ông liên tục giữ những cương vị trọng yếu trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Thành tựu trong trang đời Tố Hữu còn được viết bởi những đóng góp của ông trong lĩnh vực thơ ca. Đặc biệt, với sự nghiệp thơ cách mạng đồ sộ, ông đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
Phong cách thơ Tố Hữu qua bài Việt Bắc và Từ ấy
Tiêu biểu cho khuynh hướng trữ tình và chính trị sâu sắc
Tố Hữu vốn là một chiến sĩ – thi sĩ nên thơ của ông chính là thơ của lí tưởng cộng sản và mang đậm khuynh hướng trữ tình chính trị. Trong suốt quãng đời sáng tác, ông luôn xác định chính lí tưởng cách mạng và quan điểm chính trị sẽ là ngọn đuốc soi đường dẫn lối cho cảm xúc để ông viết thành thơ.
Chế Lan Viên cũng đã có một nhận định đúng đắn về Tố Hữu khi nhắc đến vấn đề này: Với Tố Hữu dù “tả tình hay tả cảnh, kể chuyện mình hay kể chuyện của người, viết về các vấn đề lớn hay về một sự việc nhỏ […] là để nói cho được cái lí tưởng cộng sản ấy thôi”.
Tố Hữu viết thơ nhưng thực chất những điều ông viết chẳng khác gì dòng nhật kí chân tình ông ghi lại những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của cuộc cách mạng dân tộc. Trong thơ ông, ta luôn cảm nhận được từng giai đoạn trong đời sống chính trị của đất nước.
Minh chứng rõ nhất cho điều nói trên đây là những tập thơ giàu giá trị mà Tố Hữu để lại cho đời như: “Từ ấy” (1937-1946), “Việt Bắc” (1947-1954), hay “Gió lộng” (1955-1961), “Ra trận” (1962-1972), “Máu và hoa” (1972-1977), Một tiếng đờn” (1992) và “Ta với ta” (1999).
Khi tìm hiểu phong cách thơ Tố Hữu, ta thấy nếu “Từ ấy” thể hiện niềm say mê trong những ngày tháng đầu được bước vào hàng ngũ của Đảng thì “Việt Bắc” là tập hợp những tác phẩm viết về công cuộc kháng Pháp anh dũng còn “Gió lộng” là những tác phẩm viết về thời kì xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Những tập thơ còn lại cũng sẽ phản ánh sự song hành giữa con đường thơ và con đường cách mạng của ông.
Mặc dù viết về các chặng đường cách mạng nhưng phong cách thơ Tố Hữu không phải là những dòng viết phản ánh những con số, những sự kiện một cách khô cứng. Trong các sáng tác của nhà thơ, người đọc sẽ thấy được ở đó có sự biểu hiện của những tình cảm tốt đẹp của dân tộc. Đó là tình yêu dành cho lí tưởng cao đẹp của cách mạng dân tộc cất lên thành tiếng hát say mê, vui sướng:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
(“Từ ấy”)
Là nghĩa đồng bào gắn kết thân tình mà lúc chia xa cả người đi và kẻ ở đều xúc động, bịn rịn, quyến luyến. Kẻ ở ướm hỏi:
“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”
Và tâm trạng người về đã nói lên hết tình cảm dành cho đồng bào ở lại:
“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
(“Việt Bắc”)
Đó là những tình cảm đẹp đẽ và quý giá mà những người chiến sĩ như Tố Hữu có được trong quá trình làm cách mạng của mình.
Gắn liền với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn Cách mạng
Bên cạnh nội dung trữ tình chính trị, phong cách thơ Tố Hữu cũng thường đề cập đến vấn đề mang tính sử thi và đặc biệt là khuynh hướng đậm chất sử thi ấy lại gắn liền với cảm hứng lãng mạn. Từ những dòng viết sau tập “Việt Bắc”, người đọc đã cảm nhận được cái tôi chiến sĩ trong thơ Tố Hữu đã có sự chuyển biến sang cái tôi nhân danh cộng đồng, dân tộc.
Để phản ánh những điều nói trên, Tố Hữu đã xây dựng nên những hình tượng nhân vật trữ tình là những con người đại diện cho phẩm chất sáng ngời của dân tộc và mang tầm vóc của lịch sử thời đại. Ta có thể bắt gặp trong thơ ông hình ảnh của nữ Anh hùng Lao động trong Chiến tranh Việt Nam Nguyễn Thị Suốt.
Người phụ nữ được bà con quen gọi là Mẹ Suốt ấy đã xuất hiện thật đẹp trên trang thơ của Tố Hữu trong công việc lái đò chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông Nhật Lệ. Mẹ cũng như biết bao những người có trái tim nồng nàn yêu nước, nguy hiểm là thế, cơ cực là thế nhưng để cứu nước, Mẹ chẳng nề hà điều gì:
“Kể chi tuổi tác già nua
Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!
Ngẩng đầu, mái tóc mẹ rung
Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ…
Gan chi gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước mình chờ chi ai?”
(“Mẹ Suốt”)
Cũng như Mẹ Suốt, chị Trần Thị Lý cũng cống hiến sức mình cho công cuộc đánh giặc, chị sẵn sàng hi sinh cả tính mạng của mình.Người con gái Việt Nam ấy tuy đã ra đi nhưng đó là sự ra đi vinh quang và sẽ luôn bất tử trong lòng người ở lại:
“Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!”
(“Người con gái Việt Nam”)
Họ tận hiến cho đất nước, và đến những phút cuối đời vẫn không có một chút nuối tiếc về sự lựa chọn của mình. Tiếng thét của Nguyễn Văn Trỗi vang lên trong những câu thơ của Tố Hữu là một minh chứng cho niềm tin của người anh hùng đặt vào cách mạng dân tộc:
“Lệnh: Hàng đầu quỳ xuống! Một giây thôi.
Anh thét lớn: Hãy nhớ lấy lời tôi:
Đả đảo đế quốc Mỹ!
Đả đảo Nguyễn Khánh!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Phút giây thiêng liêng, Anh gọi Bác ba lần!”
(“Hãy nhớ lấy lời tôi”)
Tiếng thét ấy vang lên nhiều bao nhiêu có lẽ cũng chỉ để gửi gắm lòng tin tưởng và khơi dậy niềm say mê của con người vào con đường cách mạng của dân tộc. Đó chính là cảm hứng chủ đạo – cảm hứng lãng mạn mà Tố Hữu thể hiện qua cách thần thoại hóa những hình tượng anh hùng.
Khi xung phong vào trận tiền với lí tưởng cao đẹp, số phận của họ không còn là số phận cá nhân nữa mà đã trở thành số phận của dân tộc, cộng đồng.
Phong cách thơ Tố Hữu có giọng điệu tâm tình ngọt ngào và tha thiết
Phong cách thơ Tố Hữu có một nét đặc sắc về giọng điệu rất dễ nhận ra, đó chính là sự ngọt ngào, tha thiết như lời tâm tình. Không khó để lí giả điều này bởi bản thân Tố Hữu có sự thừa hưởng từ những làn điệu tâm hồn của con người nơi xứ Huế mộng mơ.
Phong cách thơ Tố Hữu thường sử dụng những cách xưng hô bình dị của đời sống thường nhật nhưng lại tạo cảm giác thân thương, gần gũi vô ngần. Người đọc đến với thơ Tố Hữu vì vậy mà như đến để được nghe trò chuyện, giãi bày tâm tư.
Tìm đến đọc thơ ông, người đọc sẽ lắm lần nghe ông gọi đối tượng trò chuyện bằng những tiếng gọi rất tha thiết, tự nhiên như: “Bạn đời ơi”, hay “Anh vệ quốc quân ơi”, “Anh chị em ơi”, và “Đất nước ta ơi”, “Hương giang ơi”…
“Bao khổ ấy, thôi cần chi nói nữa
Bạn đời ơi! Ta đã hiểu nhau rồi.”
(“Trăng trối”)
“Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế!”
(“Cá nước”)
“Việt Nam đất nước ta ơi!
Mênh mông biển lúa đâu trười đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”
(“Việt Nam quê hương ta”)
Với bạn đọc, nhà thơ luôn quan niệm “Thơ là chuyện đồng điệu”. Phải chăng trong những tác phẩm của mình, nhà thơ luôn mong muốn độc giả có thể cảm được tấm chân tình của nhà thơ mà đặc biệt là những tình cảm mà ông dành cho cách mạng, cho sự nghiệp cứu nước, bởi thế, nên nhà thơ cũng xác định “Thơ là tiếng nói đồng ý và đồng tình, tiếng nói đồng chí”.
Do vậy, khi phân tích phong cách thơ Tố Hữu, ta thấy tác giả đã sử dụng giọng điệu tâm tình, tha thiết nhà thơ cũng muốn thể hiện thật tự nhiên và chân thành những rung động của ông với tình nghĩa cách mạng và ân nghĩa đồng bào.
Đậm đà tính dân tộc là nét tiêu biểu trong phong cách thơ Tố Hữu
Phong cách thơ Tố Hữu luôn thấm đượm tính dân tộc đậm đà, đặc biệt là trong cách ông sử dụng hình thức, từ ngữ dân gian để truyền tải tư tưởng, quan niệm của mình. Tố Hữu đã sử dụng thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc, vốn là một hình thức rất hiệu quả để thể hiện những cảm xúc dạt dào, tự nhiên nhất.
Trường hợp bài “Việt Bắc” là một ví dụ tiêu biểu cho sự thành công trong việc thể hiện niềm thương, nỗi nhớ, sự luyến lưu, bịn rịn của cả kẻ ở miền ngược, người về miền xuôi.
Hay khi tưởng nhớ đến vị thi hào Nguyễn Du, Tố Hữu cũng dùng thể thơ lục bát với sự da diết, thiết tha để thể hiện nén hương lòng thành kính dành cho người nghệ sĩ đã khuất xa. Dù cho đến mãi nghìn năm sau, tấm lòng chân thành nhớ tiếc Nguyễn Du vẫn vẹn nguyên không đổi dời:
“Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.
Hỡi người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người!”
(“Kính gửi cụ Nguyễn Du”)
Không chỉ với thể thơ lục bát, mà phong cách thơ Tố Hữu còn thể hiện qua việc sử dụng thể thơ thất ngôn trang nghiêm, ta cũng cảm nhận được những trạng thái cảm xúc khác nhau trong thơ mà không hề khuôn sáo. Là tình cảm ấm nồng dành cho quê hương:
“Huế ơi, quê mẹ của ta ơi!
Nhớ tự ngày xưa, tuổi chín mười
Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng
Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi…”
(“Quê mẹ”)
Là tình cảm xót xa, đau đớn trước sự ra đi của vị lãnh tụ kính yêu:
“Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!”
(Bác ơi!)
Về ngôn ngữ, Tố Hữu đã sử dụng vốn từ ngữ, lối nói quen thuộc của dân tộc. Bên cạnh đó, nhà thơ còn phát huy tính nhạc phong phú của tiếng Việt qua cách sử dụng từ láy và tạo nên âm thanh trong câu thơ dựa trên sự phối hợp về vần, thanh điệu.
Những câu thơ với sự hiện diện của những âm mở “an, ang, ơi” trong tác phẩm “Em ơi… Ba Lan” cũng là ví dụ tiêu biểu cho tài năng sử dụng vần điệu để tạo cảm giác vui tươi, rộng mở trước cảnh thiên nhiên tươi đẹp ở Ba Lan xa xăm:
“Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn”
Kết bài: Tóm lại, làm nên phong cách thơ Tố Hữu là sự cộng hưởng của bốn đặc điểm tiêu biểu: khuynh hướng trữ tình chính trị, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, giọng điệu tâm tình tha thiết và tính dân tộc đậm đà. Chính những đặc điểm đó đã giúp cho người đọc muôn thuở mê say những vần thơ của một nhà thơ – chiến sĩ nhiệt thành và tài năng như Tố Hữu.
Dàn ý phong cách thơ Tố Hữu và ngôn ngữ thơ Tố Hữu
Nhằm giúp các bạn nắm được các ý chính trong bài viết phong cách thơ Tố Hữu cũng như khi phân tích qua một số tác phẩm của ông, dưới đây DINHNGHIA.VN sẽ giúp bạn khái quát lập dàn ý phong cách thơ Tố Hữu.
Mở bài phong cách thơ Tố Hữu qua bài Từ ấy và Việt Bắc
- Giới thiệu nhà thơ Tố Hữu cùng phong cách thơ rất đặc trưng của ông.
- Vẻ đẹp trong phong cách cũng như ngôn ngữ thơ Tố Hữu được thể hiện điển hình qua hai tác phẩm Từ ấy và Việt Bắc.
Thân bài phong cách thơ Tố Hữu qua bài Việt Bắc và Từ ấy
- Thơ Tố Hữu mang phong cách trữ tình và chính trị chính luận sâu sắc.
- Cái tôi trữ tình trong phong cách thơ Tố Hữu chính là cái tôi chiến sĩ, là cái tôi nhân danh đảng và nhân danh cộng động dân tộc.
- Thơ Tố Hữu thường không đi sâu vào cuộc sống hay những tình cảm riêng tư mà tập trung thể hiện những tình cảm lớn cũng như mang tính chất tiêu biểu, phổ biến của con người Cách mạng.
- Niềm vui trong thơ Tố Hữu thường không nhỏ bé tầm thường mà là niềm vui lớn, sôi nổi hay hân hoan, rực rỡ và tươi sáng, là những vần thơ chiến thắng.
- Phong cách thơ Tố Hữu gắn liền với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn Cách mạng
- Trong thơ Tố Hữu thường thấy những sự kiện chính trị của đất nước là đối tượng thường thể hiện chủ yếu, đồng thời cũng đề cập những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và mang tính chất toàn dân.
- Cảm hứng chủ đạo trong phong cách thơ Tố Hữu chính là cảm hứng lịch sử dân tộc, bên cạnh đó nổi bật là vấn đề vận mệnh cộng đồng.
- Thơ Tố Hữu thương có các nhân vật trữ tình mang tầm vóc lịch sử và thời đại.
- Giọng thơ Tố Hữu thường mang tính chất ân tình, tự nhiên đằm thắm và đậm sự chân thành.
- Phong cách thơ Tố Hữu có giọng điệu ngọt ngào và tâm tình đầy mến thương.
-
- Cách xưng hô trong thơ Tố Hữu thường thấy chính là sự thân mật gần gũi.
- Phong cách thơ Tố Hữu còn ảnh hưởng của chất Huế và quan niệm thơ là chuyện đồng điệu, đồng thời cũng là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình.
- Đậm đà tính dân tộc là nét tiêu biểu trong phong cách thơ Tố Hữu
- Nội dung:
- Ngôn ngữ thơ Tố Hữu phản ánh đậm nét con người và dân tộc Việt Nam.
- Phong cách thơ Tố Hữu cũng tiếp nối tinh thần, tình cảm, đạo lí dân tộc.
- Nghệ thuật:
- Tố Hữu sử dụng thành công thể thơ truyền thống như thơ lục bát thơ thất ngôn.
- Thơ ông cũng sử dụng từ ngữ, lời nói quen thuộc hay những ước lệ so sánh ví von truyền thống
- Thơ Tố Hữu giàu tính nhạc, ông có tài dùng từ lái, phối thanh.
- Nội dung:
- Tính nhạc trong thơ Tố Hữu cũng thể hiện phong cách.
- Thơ Tố Hữu có cách tạo nhạc điệu độc đáo: Đề cao và vận dụng tối đa tính nhạc phong phúc trong tiếng Việt. Đặc biệt, phong cách thơ Tố Hữu sử dụng từ láy cùng với cách ngắt nhịp, phối thanh và phối vần.
- Nhà thơ đã tạo tính nhạc bên trong chiều sâu tâm hồn con người (đặc biệt những người chiến sĩ).
Kết bài phong cách thơ Tố Hữu qua bài Việt Bắc và Từ ấy
- Tóm tắt lại những đặc điểm chính trong phong cách thơ Tố Hữu.
- Ý nghĩa trong phong cách thơ của Tố Hữu cũng như đối với dân tộc.
- Bày tỏ suy nghĩ của bản thân khi tìm hiểu và phân tích phong cách thơ Tố Hữu.
Có thể thấy, phong cách thơ Tố Hữu rất riêng biệt và độc đáo. Thơ chính là người, và thơ Tố Hữu không chỉ phản ánh tư tưởng cái tâm và cái tài của ông, mà những vần thơ ấy còn tái hiện rõ nét quá trình lịch sử và cách mạng của dân tộc.
Xem thêm:
- Tính dân tộc trong bài Việt Bắc của Tố Hữu – Ngữ Văn 12
- Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu – Ngữ Văn 12
- Cảm nhận bài thơ Từ ấy của Tố Hữu – Ngữ Văn lớp 11
Hy vọng bài viết trên đây của DINHNGHIA.VN về chủ đề phong cách thơ Tố Hữu qua bài Việt Bắc và Từ ấy đã giúp bạn có thêm những kiến thức hữu ích phục vụ quá trình nghiên cứu và học tập của bản thân. Nếu có bất cứ câu hỏi hay đóng góp gì cho bài viết về phong cách thơ Tố Hữu, đừng quên để lại nhận xét bên dưới. Chúc bạn luôn học tập tốt!