Viết đoạn văn nghị luận là một trong những yêu cầu trong đề thi môn Ngữ văn THPT Quốc gia. Vậy làm thế nào để viết được một đoạn văn nghị luận đi đúng hướng để đạt được điểm tốt theo đáp án của Bộ Giáo dục? Bài viết dưới đây của DINHNGHIA.COM.VN sẽ tổng hợp những điều cần lưu ý về cách viết đoạn văn nghị luận nhằm giúp các bạn có thể rút ra được cách viết đoạn văn nghị luận cho riêng mình mà vẫn đạt được hiệu quả như mong muốn, cùng tham khảo nhé!
Nội dung bài viết
Một số lưu ý trong cách viết đoạn văn nghị luận xã hội
Dung lượng bài viết
Với cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ thì học sinh cần lưu ý chọn lọc những nội dung trọng tâm để viết nhằm đảm bảo số lượng chữ cũng như yêu cầu của đề. Tuy nhiên, học sinh cũng không cần bắt buộc phải viết đúng 200 chữ vì đó chỉ là con số ước chừng (khoảng 20 dòng) và nếu viết hơn 1 vài dòng cũng sẽ không trừ điểm.
Hình thức trình bày
Khi trình bày một đoạn văn, học sinh cần viết hoa từ đầu tiên và viết lùi vào đầu dòng. Những câu tiếp theo trong đoạn cần viết tiếp nối và không được ngắt xuống dòng khi viết. Với cách viết đoạn văn nghị luận xã hội thì khi trình bày cần đảm bảo tính chính xác về chính tả, dấu câu, cách ngắt nghỉ cho phù hợp.
Bố cục đoạn văn
Khi đảm bảo được bố cục đoạn văn, học sinh sẽ đạt được 0,25 điểm. Vì thế học sinh cần biết cách viết đoạn văn nghị luận xã hội có đủ ba phần: mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn. Đây là việc làm không quá khó khăn, vì vậy nếu học sinh để mất điểm phần bố cục đoạn văn chỉ vì thiếu một trong ba phần trên thì rất đáng tiếc.
Nội dung trong đoạn văn
Trong câu viết một đoạn văn nghị luận, vì giới hạn là một đoạn văn nên đề thi không bao giờ yêu cầu thí sinh phải trình bày hết tất cả những nội dung bao gồm: Giải thích khái niệm, phân tích và chứng minh, dẫn chứng, phản đề, bài học hành động.
Thực tế cho thấy, chỉ trong 200 chữ mà phải nêu hết các phần trên như một bài văn nghị luận thu nhỏ thì rõ ràng, người viết khó có thể trình bày cụ thể và có chiều sâu hiểu biết, suy nghĩ, cách đánh giá của cá nhân về các phần đó.
Dẫn chứng trong đoạn văn
Dẫn chứng trong đoạn văn nghị luận cần nêu ra cụ thể nhất để có thể thuyết phục người đọc. Đó là sự cụ thể về tên người, thời gian, địa điểm… Nếu tốt hơn nữa thì dẫn chứng nên chọn lọc từ những sự việc, con người… có tính phổ biến và có tính thời sự. Tránh nêu dẫn chứng mơ hồ, chung chung vì sẽ không mang lại hiệu quả cao.
Chẳng hạn, nếu đề yêu cầu người viết trình bày về tình mẫu tử thì dẫn chứng nêu ra không thể viết kiểu chung chung là: “Trong cuộc sống, có rất nhiều người mẹ đã hết lòng hi sinh vì con cái”. Viết như vậy là đúng nhưng không mang lại tính thuyết phục. Thế nên, trong cách viết đoạn văn nghị luận xã hội thì người viết cần dẫn dắt một câu chuyện cụ thể.
Ví dụ như câu chuyện của Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm vào năm 2016 ở Hà Tĩnh. Chị bị bệnh ung thu phổi khi đang mang thai con ở tuần thứ 11 nhưng đã quyết định trì hoãn điều trị ung thư để giữ lại sinh mạng của con. Sau khi con chào đời chưa được bao lâu thì chị đã qua đời vì không đủ sức khỏe chống chọi lại căn bệnh quái ác.
Các bước trong cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
Bước 1: Xác định dạng đề trong cách viết đoạn văn nghị luận xã hội
Dạng đề nghị luận về tư tưởng đạo lí
Dạng đề nghị luận về tư tưởng đạo lí thường đưa ra những yêu cầu bàn luận về: câu nói, quan điểm sống hay phẩm chất, đức tính của con người.
Ví dụ một số đề về tư tưởng đạo lí:
Ra đề thông qua một câu nói: Bersot nói: “Trong vũ trụ có lắm kì quan, nhưng kì quan đẹp nhất là trái tim người mẹ”. Ý kiến của anh/chị về câu nói trên.
Đề văn về phẩm chất, đức tính: Suy nghĩ của anh/chị về đức tính trung thực.
Dạng đề nghị luận về hiện tượng đời sống
Dạng đề nghị luận về hiện tượng đời sống là những vấn đề, sự việc, hiện tượng có đã xảy ra và đang xảy ra trong cuộc sống của con người.
Một số đề ví dụ về hiện tượng đời sống như:
Trình bày suy nghĩ về vấn đề sử dụng ngôn ngữ giao tiếp của học sinh hiện nay.
Anh/chị có suy nghĩ gì về trách nhiệm của tuổi trẻ học đường để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông?
Nhận xét: Mỗi một vấn đề được đưa ra có thể là đạo lí, hiện tượng tích cực, nhưng cũng có thể là hiện tượng tiêu cực, tư tưởng phản nhân văn. Trước mỗi vấn đề người viết cũng cần xác định đúng tính chất, đặc điểm của nó để có thể thể hiện quan điểm đồng tình hay không đồng tình một cách rõ ràng. Ví dụ một số vấn đề tích cực hay tiêu cực có thể được đưa ra như:
- Đạo lí, tư tưởng:
- Đạo lí, tư tưởng tích cực: lòng dũng cảm, khoan dung, ý chí, nghị lực.
- Tư tưởng phản nhân văn: thù hận, ích kỷ, đố kỵ, dối trá.
- Tư tưởng có tính hai mặt: sự chờ đợi.
- Hiện tượng đời sống:
- Tích cực: tiếp sức mùa thu, hiến máu nhân đạo.
- Tiêu cực: bạo lực học đường, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông.
- Có cả tích cực và tiêu cực: sử dụng mạng xã hội, thiết bị điện tử.
Bước 2: Xác định yêu cầu trọng tâm của đề ở cách viết đoạn văn nghị luận
Như đã đề cập trong phần trên, khi đưa ra yêu cầu viết đoạn văn thì đề được ra sẽ không làm khó người viết trình bày hết những nội dung cần viết trong như một bài văn nghị luận.
Mỗi đề thi thường sẽ có một yêu cầu cụ thể về việc người viết cần tập trung vào phần viết nào của vấn đề nghị luận. Chẳng hạn, trong đề thi Ngữ văn trong kì thi THPT Quốc gia năm 2017 có yêu cầu câu viết đoạn văn như sau: Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.
Như vậy, trong đề văn trên, yêu cầu trọng tâm là nêu ý nghĩa của sự thấu cảm, tức là trong bài viết, người viết cần xoáy sâu vào những giá trị tốt đẹp, tích cực hay tác dụng, giá trị mà đức tính ấy mang lại cho cuộc sống con người. Trong tiếng Anh, khi chúng ta nêu ra các ý nghĩa như yêu cầu thì tức là đang trả lời cho câu hỏi “What” (Sự thấu cảm mang lại ý nghĩa gì?).
Với chủ đề được ra là sự thấu cảm, nhưng đề cũng có thể được ra dưới dạng như sau: Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về điều bản thân cần làm để thể hiện sự thấu cảm trong cuộc sống.
Với câu hỏi “điều bản thân cần làm” thì đề đang hướng người đọc đến việc trình bày giải pháp. Lúc này, người viết sẽ tập trung trình bày những việc làm có thể thực hiện thay vì đi sâu phân tích ý nghĩa của sự thấu cảm như đề thi 2017. Như vậy, khi nêu ra giải pháp, chúng ta đang thực hiện yêu cầu đề dựa vào câu hỏi “How” (Điều bản thân cần làm thế nào để thể hiện sự thấu cảm?).
Như vậy, với bất kì một đề thi nào được ra, để xác định đúng yêu cầu đề, người viết cần tìm được từ chìa khóa xuất hiện trong đề.
Chẳng hạn như:
- Giải thích, nêu nguyên nhân : Tại sao, do đâu, trình bày nguyên nhân, trình bày cách hiểu, giải thích…
- Nêu ý kiến cá nhân: Đồng tình hay không đồng tình, nêu suy nghĩ cá nhân, trình bày ý kiến bản thân…
- Bàn nội dung: nêu ý nghĩa, nêu giá trị…
- Đưa giải pháp: làm thế nào, làm sao, điều cần làm…
Mỗi từ chìa khóa sẽ là một gợi ý để học sinh có định hướng đúng và viết tốt phần đoạn văn.
Bước 3: Tìm ý cho đoạn văn trong cách viết đoạn văn nghị luận xã hội
Sau khi xác định được trọng tâm cần viết trong đoạn, chúng ta có thể lên ý tưởng về những điều cần viết xoay quanh vấn đề cần viết. Bước này cần được thực hiện trên giấy nháp để khi người viết không bị quên và bỏ sót những điều đã suy nghĩ trong đầu.
Đồng thời, khi xác định những ý cần viết, người viết cũng nên dảnh chút thời gian để suy nghĩ về những dẫn chứng để minh họa cho phần lí lẽ của mình. Cách đơn giản để có thể tìm được ý cho phần viết là thử tự đặt và trả lời các câu hỏi, chẳng hạn như:
- Vấn đề đặt ra được hiểu như thế nào?.
- Tại sao lại cần có/ không nên có có vấn đề đó trong cuộc sống?.
- Vấn đề đặt ra cần được đồng tình/ phản đối hay có chỗ đồng tình, có chỗ phản đối?.
- Vấn đề có những biểu hiện như thế nào trong cuộc sống?.
- Cần phải làm những gì để ngăn chặn/ phát huy vấn đề trên?.
Bước 4: Viết các phần cụ thể của đoạn văn nghị luận xã hội
Tạo mở đoạn trong cách viết đoạn văn nghị luận
Với phần mở đoạn, ta nên trực tiếp đi vào vấn đề thay vì dẫn dắt dài dòng, lan man. Học sinh nên mở đoạn trong phạm vi 1 câu vì giới hạn viết chỉ là một đoạn văn ngắn. Người viết có thể trích dẫn câu nói trong đề rồi dẫn dắt ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề nghị luận.
Tạo thân đoạn trong cách viết đoạn văn nghị luận
Trong phần này, học sinh cần xác định đúng yêu cầu đề thông qua các từ khóa. Từ việc xác định đúng từ khóa, người viết chọn phần viết phù hợp để triển khai cụ thể yêu cầu đó. Đó có thể là phần giải thích, nêu nguyên nhân, cũng có thể là phần viết về ý nghĩa hay trình bày những giải pháp.
Trong khi triển khai, để làm rõ các ý trình bày trong bài viết cần phải có cơ sở để giúp người đọc, người nghe thuyết phục. Lúc này, học sinh cần đưa ra các dẫn chứng từ thực tế.
Tránh trường hợp kể dẫn chứng quá dài dòng, học sinh nên nêu ngắn gọn theo hình thức tóm tắt dẫn chứng. Nên chọn ít nhất 1 – 2 dẫn chứng để minh chứng cho điều đã viết. Khi đưa ra dẫn chứng là người viết đang thể hiện được việc “nói có sách, mách có chứng”, có như vậy mới có thể tạo được lòng tin cho người đọc về phần viết của mình.
Sau đây là những gợi ý cần trình bày cho từng dạng đề:
- Dạng đề giải thích, nêu nguyên nhân:
- Giải thích ngắn gọn vấn đề được yêu cầu nghị luận.
- Nêu nguyên nhân trên hai cơ sở: Khách quan và chủ quan.
- Nêu 1 – 2 dẫn chứng chứng minh.
- Dạng đề nêu biểu hiện, thực trạng:
- Trình bày biểu hiện của vấn đề trên phương diện từ nhỏ đến lớn (cá nhân, tập thể, cộng đồng)
- Nêu 1 – 2 dẫn chứng về biểu hiện đó trong cuộc sống.
- Dạng nêu ý kiến cá nhân:
- Trả lời rõ ràng: đồng tình hay không đồng tình, đồng tình một phần hay phản đối.
- Lí giải vì sao đưa ra ý kiến trên. Ý kiến cá nhân được khuyến khích trình bày nhưng phải dựa trên cơ sở của chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Nêu 1 – 2 dẫn chứng để làm sáng tỏ ý kiến.
- Dạng đề nêu ý nghĩa, giá trị vấn đề:
- Nêu những ý nghĩa của vấn đề đối với bản thân, tập thể, xã hội.
- Nêu ý nghĩa của vấn đề theo trục thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai.
- Nêu 1 – 2 dẫn chứng để tăng tính thuyết phục.
- Dạng đề nêu giải pháp:
- Đề xuất giải pháp: với cộng đồng, xã hội và mỗi cá nhân.
- Nêu 1 – 2 dẫn chứng.
Tạo kết đoạn trong cách viết đoạn văn nghị luận
Viết trong một câu văn và trong câu văn nên chuyển tải thông điệp để tạo điểm nhấn. Câu kết đoạn cũng có thể trích lại một lời phát biểu, một câu nói của người nổi tiếng để mang lại ấn tượng và hiệu quả.
Xem thêm:
- Nghị luận xã hội về phòng chống tệ nạn xã hội trong học đường
- Viết bài nghị luận mối quan hệ giữa Văn học và Tình thương
- Nghị luận xã hội về tác hại của ma túy trong xã hội
Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội đảm bảo về hình thức và nội dung theo những yêu cầu của đề bài không hẳn là điều dễ dàng cũng không phải là điều quá khó khăn. Tin rằng chỉ cần bạn kiên trì rèn luyện thì hoàn toàn có thể chinh phục được không chỉ cách viết đoạn văn nghị luận xã hội mà còn cả những câu hỏi còn lại của đề thi môn Văn cũng như các môn học khác. Hy vọng với chủ đề “cách viết đoạn văn nghị luận xã hội” sẽ giúp các bạn tự tin và hoàn thành tốt bài làm văn của mình. Chúc các bạn thành công!