Đối với các cá nhân thường hay di chuyển, du lịch giữa các quốc gia trên toàn thế giới thì thị thực (visa) không còn là khái niệm xa lạ. Tuy nhiên, nếu bạn là người chuẩn bị xuất/nhập cảnh và cần tìm hiểu rõ hơn về thị thực là gì, hãy tham khảo ngay các thông tin trong bài viết sau nhé!
Nội dung bài viết
Thị thực là gì?
Khái niệm thị thực
Thị thực (tiếng Anh gọi là visa, tiếng Trung là 視實) là một bằng chứng hợp pháp xác nhận rằng một người nào đó được phép nhập cảnh hoặc xuất cảnh ở quốc gia cấp thị thực.
Phần lớn quốc gia sẽ yêu cầu thị thực mới có thể xuất nhập cảnh. Trong một số trường hợp, quốc gia có thể sẽ không đòi hỏi phải có thị thực khi nhập cảnh (thường do hai nước thỏa hiệp trước).
Thị thực có thể được cấp trực tiếp tại cơ quan chuyên trách của quốc gia, hoặc thông qua đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của quốc gia đó tại nước ngoài, đôi khi có thể thực hiện thông qua một cơ quan chuyên môn, công ty du lịch có sự cho phép của quốc gia phát hành. Dĩ nhiên, phần lớn các quốc gia đều đặt ra các điều kiện để cấp thị thực, và định ra thời hạn cho thị thực; đồng thời có thể thu hồi trở lại.
Thị thực với hộ chiếu (passport) khác nhau thế nào?
Thị thực và hộ chiếu là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau:
- Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân. (Theo Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019).
- Thị thực thường được cấp bằng cách đóng dấu hoặc dán vào hộ chiếu tùy theo quy định của các nước khác nhau. Tại Việt Nam, thị thực được cấp bằng cách đóng dấu vào hộ chiếu. Thị thực được cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử. Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần; thị thực điện tử chỉ có giá trị một lần (Theo khoản 2 Điều 1 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014).
Có mấy loại thị thực?
Điều 8 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019) quy định có 27 loại thị thực với ký hiệu như sau:
- NG1 – Cấp cho thành viên đoàn khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
- NG2 – Cấp cho thành viên đoàn khách mời của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; thành viên đoàn khách mời cùng cấp của Bộ trưởng và tương đương, Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- NG3 – Cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ.
- NG4 – Cấp cho người vào làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi cùng đi; người vào thăm thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ.
- LV1 – Cấp cho người vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- LV2 – Cấp cho người vào làm việc với các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
- LS – Cấp cho luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
- ĐT1 – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên hoặc đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quyết định.
- ĐT2 – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng hoặc đầu tư vào ngành, nghề khuyến khích đầu tư phát triển do Chính phủ quyết định.
- ĐT3 – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 03 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
- ĐT4 – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị dưới 03 tỷ đồng.
- DN1 – Cấp cho người nước ngoài làm việc với doanh nghiệp, tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- DN2 – Cấp cho người nước ngoài vào chào bán dịch vụ, thành lập hiện diện thương mại, thực hiện các hoạt động khác theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- NN1 – Cấp cho người là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
- NN2 – Cấp cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hoá, tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.
- NN3 – Cấp cho người vào làm việc với tổ chức phi chính phủ nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hoá và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.
- DH – Cấp cho người vào thực tập, học tập.
- HN – Cấp cho người vào dự hội nghị, hội thảo.
- PV1 – Cấp cho phóng viên, báo chí thường trú tại Việt Nam.
- PV2 – Cấp cho phóng viên, báo chí vào hoạt động ngắn hạn tại Việt Nam.
- LĐ1 – Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
- LĐ2 – Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện phải có giấy phép lao động.
- DL – Cấp cho người vào du lịch.
- TT – Cấp cho người nước ngoài là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2 hoặc người nước ngoài là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam.
- VR – Cấp cho người vào thăm người thân hoặc với mục đích khác.
- SQ – Cấp cho các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật này (Người có quan hệ công tác với cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực Việt Nam ở nước ngoài và vợ, chồng, con của họ hoặc người có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền Bộ Ngoại giao nước sở tại; Người có công hàm bảo lãnh của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự các nước đặt tại nước sở tại).
- EV – Thị thực điện tử.
Thời hạn của thị thực
Thời hạn cụ thể của các loại thị thực như sau:
- Thị thực ký hiệu SQ, EV có thời hạn không quá 30 ngày.
- Thị thực ký hiệu HN, DL có thời hạn không quá 3 tháng.
- Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 6 tháng.
- Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2 và TT có thời hạn không quá 12 tháng.
- Thị thực ký hiệu LĐ1, LĐ2 có thời hạn không quá 2 năm.
- Thị thực ký hiệu ĐT3 có thời hạn không quá 3 năm.
- Thị thực ký hiệu LS, ĐT1, ĐT2 có thời hạn không quá 5 năm.
Khi thị thực hết hạn, bạn có thể nộp hồ sơ để được xem xét cấp thị thực mới. Thời hạn thị thực ngắn hơn thời hạn hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế ít nhất 30 ngày. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thời hạn thị thực cấp theo điều ước quốc tế.
Điều kiện cấp thị thực
Căn cứ Điều 10 Luật Xuất nhập cảnh của người nước ngoài (sửa đổi 2019), điều kiện được cấp thị thực Việt Nam gồm:
- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
- Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 16a, Điều 16b và khoản 3 Điều 17 của Luật này.
- Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.
Các trường hợp sau đây đề nghị cấp thị thực phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh:
- Người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư;
- Người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề theo quy định của Luật luật sư;
- Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động;
- Người nước ngoài vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.
Riêng thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài có hộ chiếu và không thuộc diện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 của Luật này.
Xin cấp thị thực ở đâu?
Công dân có thể đến các địa điểm sau để xin cấp thị thực:
- Trực tiếp tại trụ sở làm việc của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an
- Cảng hàng không quốc tế
- Cửa khẩu
- Đại sứ quán các nước sở tại
Quy định về miễn thị thực
Miễn thị thực là gì?
Miễn thị thực (miễn visa) là việc người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam không phải xin thị thực hoặc xin visa (nếu không thuộc trường hợp miễn thị thực thì bắt buộc phải xin thị thực trước khi vào Việt Nam).
Trường hợp nào được miễn thị thực?
- Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định của Luật này.
- Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
- Theo quy định tại Điều 13 của Luật này.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.
Nguồn tham khảo và tổng hợp: điểm d, khoản 1 Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA
Xem thêm:
- Vay tiêu dùng là gì? Điều kiện vay và các hình thức vay phổ biến
- Thẻ Napas là gì? Đặc điểm và lợi ích khi dùng Napas để giao dịch
- Thẻ VISA là gì? Các loại thẻ VISA thông dụng và những tiện ích khi sử dụng thẻ VISA
Trên đây dinhnghia đã thông tin đến bạn về thị thực (visa) và điều kiện cấp và quy định cần biết về thị thực. Nếu còn thắc mắc, hãy để lại bình luận phía dưới để được tư vấn, giải đáp nhé!