So sánh vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương qua hai tác phẩm Người lái đò sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông để thấy thiên nhiên luôn là một nguồn cảm hứng dạt dào và vô tận với thi nhân giúp họ tạo nên những kiệt tác. Cùng DINHNGHIA.COM.VN tìm hiểu, phân tích và so sánh vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương qua bài viết dưới đây.
Mở bài: Từ xa xưa, cuộc sống của con người luôn có sự gắn bó mật thiết với vạn vật của tự nhiên. Cùng với vầng trăng và bầu trời, cỏ cây và hoa lá… dòng sông cũng là một trong những “người bạn” gần gũi và nghĩa tình với nhân sinh.
Bởi thế mà dòng sông đã không ít lần trở thành hình ảnh được biết bao văn nhân, thi sĩ gửi gắm những tâm tư, nỗi niềm của mình.
Với Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường, nỗi niềm và tâm tư ấy được bộc lộ thông qua vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương trong hai tác phẩm “Người lái đò sông Đà” và “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”. Cùng tìm hiểu, phân tích và so sánh vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương qua bài viết sau.
Nội dung bài viết
Phân tích vẻ đẹp trữ tình của sông Đà qua ngòi bút của Nguyễn Tuân
Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã xây dựng con sông như một nhân vật có tính cách, rất cụ thể và sinh động. Trước khi so sánh vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương, ta cần tìm hiểu và phân tích vẻ đẹp trữ tình của sông Đà.
Hình dáng con sông Đà qua sự miêu tả của nhà văn
Dưới lời giới thiệu của Nguyễn Tuân, dòng sông Đà hiện lên với hình ảnh của một dòng sông hung bạo, thế nhưng đằng sau dáng vẻ hung bạo ấy lại là dáng vẻ của một dòng sông trữ tình.
Ban đầu, dòng sông được miêu tả bởi sự hợp thành của những khúc sông, bờ đá dựng vách thành, những quãng sông, lòng sông thắt hẹp như yết hầu, thác nước dữ dội.
Từ trên cao, nó không khác gì “cái dây thừng ngoằn ngoèo” với“từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây” và hay “làm mình làm mẩy với con người”. Thế mà dòng sông ấy đã có lúc thật dịu dàng thấp thoáng hình ảnh của một người thiếu nữ diễm kiều khi “con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mùi khói núi Mèo đốt nương xuân”.
Đó là sự liên tưởng bất ngờ và táo bạo gợi vẻ đẹp nên thơ, huyền ảo của dòng sông. Chính cái vẻ mềm mại, trữ tình và quyến rũ ấy đang ôm ấp trong mình cái “chất Nguyễn Tuân”.
Với thiên nhiên Tây Bắc, ông dành cho nó một tình cảm thiết tha còn xét về tài năng người nghệ sĩ trong nghệ thuật miêu tả, ông chính là người đội trưởng tài tình khi chỉ huy được cả một đội quân ngôn từ hùng hậu của mình.
Màu nước sông Đà qua nét vẽ của tác giả
Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà còn phản quang qua màu nước của nó. Cùng trên một dòng sông nhưng đã có biết bao sắc màu biến đổi diệu kì vào những thời điểm khác nhau. Nếu “mùa xuân dòng xanh ngọc bích”, thì vào mùa thu “nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa”.
Tác giả quả thật đã có sự cảm nhận hết sức tinh tế và độc đáo khi miêu tả màu sắc của dòng sông. Những màu sắc của dòng sông ấy có được là nhờ vào sự quy chiếu, liên tưởng của tác giả lên những sự vật và những hình ảnh.
Nếu sắc xanh được cảm nhận qua vẻ đẹp của làn mây ngọt ngào tràn đầy sức sống thì ánh đỏ khiến người đọc dễ hình dung đến sứ mệnh của con sông khi phải oằn mình chở nặng phù sa để đắp bồi cho bãi biển xanh tốt.
Thế nên Sông Đà không thể nào là một dòng sông đen như “thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu” mà là dòng sông xinh đẹp, sinh động bởi những màu sắc tươi tắn ấy.
Quang cảnh hai bên bờ sông Đà trong tác phẩm
Không chỉ thể hiện sự trữ tình, thơ mộng ở hình dáng, màu sắc mà quang cảnh hai bên bờ sông Đà cũng góp phần tạo nên những nét đẹp ấy.
Trước cảnh chuồn chuồn, bươm bướm rập rờn trên bờ bãi sông Đà, tác giả đã ghi lại cảm giác của mình bằng một ví von đầy thiện cảm: “Chao ôi, trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao bị đứt quãng”.
Niềm vui khi hiện diện trước bờ bãi Sông Đà ấy hẳn đã bắt nguồn cho sự hình thành của mối quan hệ thiện tình giữa cố nhân và nghệ sĩ.
Dù tâm tính người cố nhân ấy biến đổi khó lường nhưng tác giả vẫn cảm thấy “đằm đằm ấm ấm” bởi không khí thân thương, gần gũi của quang cảnh nơi đây.
Không chỉ vậy, nét hoang dại bởi sự lặng tờ của quãng sông, cách đàn hươu ngốn ngọn cỏ gianh đẫm sương đêm và cả tiếng cả đập nước sông như gọi con người về với nỗi niềm cổ tích tuổi xưa…
Phân tích vẻ đẹp trữ tình của sông Hương qua ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường
So sánh vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương, ta không thể quên phân tích hình tượng sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Hành trình tìm kiếm tình yêu của dòng sông thơ mộng
Vẻ đẹp của sông Hương lại được gợi nên từ chính trong cuộc hành trình tìm kiếm tình yêu của nó. Mặc dù ở nơi khởi nguồn, sông Hương tựa như:
“một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộc xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn” dẫu có lúc “trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”.
Nhưng nó vẫn không thể giấu đi nét phóng khoáng và man dại như một cô gái Di-gan của mình. Thế mà, khi vừa ra khỏi rừng, sông Hương bỗng chốc đã thay hình đổi dạng để “mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ” và “trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”.
Đến ngoại vi thành phố, dòng sông là “người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại” để được người tình mong đợi đến đánh thức.
Vì được đánh thức nên bao nhiêu sức sống như ngời lên trong cách “chuyển dòng liên tục”, “vòng giữa khúc quanh đột ngột” và “uốn mình theo những đường cong thật mềm” của Hương giang.
Khi trôi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, dòng sông mềm như lụa với màu nước phản quang, lung linh, quyến rũ “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”.
Lúc qua bao lăng tẩm, đền đài với sự u tịch, kiêu hãnh âm u của rừng thông, sông Hương lại khoác lên vẻ trầm mặc “như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông của chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà”.
Sau đó, sông Hương đã uốn một cánh cung rất nhẹ làm cho dòng sông như mềm hẳn đi như một tiếng “vâng không nói ra của tình yêu”, nó vui hẳn lên khi về trong giữa lòng thành phố.
Tác giả đã liên tưởng đến điệu nhạc trữ tình, thiết tha dành cho Huế trước dòng chảy trôi chậm, thực chậm của dòng sông. Bao nhiêu nét hoang dại, rầm rộ trước kia đã hóa thành kín đáo, dịu dàng bởi dòng chảy tựa một điệu slow sâu lắng, nhịp nhàng.
Trong sự liên tưởng của tác giả, sông Hương còn thấp thoáng trong hình ảnh của một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya đang chất chứa rất nhiều tâm sự trong lòng.
Trước khi giã biệt thành phố Huế, sông Hương giống như người tình dịu dàng, chung thủy không muốn rời Huế nên “rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố Huế lần cuối”.
Tác giả đã ý nhị gọi đấy là nỗi niềm vương vấn và cả một chút kín đáo của tình yêu. Sự kín đáo ấy gợi đến hình ảnh nàng Kiều trong đêm tình tự trở lại tìm Kim Trọng để nói một lời thề.
Tóm lại, vẻ đẹp của sông Hương trong thủy trình của nó được cảm nhận và miêu tả bằng tình cảm tha thiết với Huế, bằng vốn văn hóa phong phú và bằng cái nhìn mê đắm, tài hoa của tác giả.
Vẻ đẹp nhẹ nhàng trong thơ văn của sông Hương
Sông Hương là dòng sông của văn hóa thi ca. Toàn bộ nền âm nhạc cổ điển của Huế đã sinh thành trên mặt nước của dòng sông này. Chính vì thế, sông Hương có một vai trò quan trọng trong việc bồi đắp và làm phong phú đời sống tâm hồn của con người đất kinh kỳ.
Không chỉ vậy, sông Hương còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ. Trong cách cảm nhận tinh tế của Tản Đà, nó hiện lên với hình ảnh “dòng sông trắng – lá cây xanh”, với khí phách mạnh mẽ của Cao Bá Quát, sông Hương “như kiếm dựng trời xanh”.
Bên cạnh đó, sông Hương còn thấp thoáng trong bóng chiều bảng lảng của hồn thơ Bà Huyện Thanh Quan và phút chốc phục sinh mạnh mẽ qua vần thơ của Tố Hữu:
“Hương giang ơi dòng sông êm
Qua tim ta vẫn ngày đêm tự tình”
…
“Dòng sông ai đã đặt tên
Để người đi nhớ Huế không quên”
..
“Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”
Câu chuyện huyền thoại về dòng sông Hương
Tên gọi sông Hương qua câu chuyện huyền thoại cùng với cách đặt nhan đề đã gợi lên nhiều ý nghĩa.
Tích cũ kể việc nhân dân hai bên bờ sông vì cảm mến con sông xinh đẹp nên đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông để làn nước được thơm mãi đã cho thấy vị trí của dòng Hương giang trong lòng mọi người quan trọng đến nhường nào.
Cách sử dụng câu hỏi tu từ “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” đã thể hiện sự tha thiết trong tình cảm của tác giả dành cho dòng sông vì chẳng hay ai đặt tên mà lại hay đến thế, trữ tình đến thế.
Cảm nhận so sánh vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương
Nét tương đồng trong vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương
Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương có những điểm tương đồng đáng chú ý. Trước nhất, vẻ đẹp của hai con sông đã được khai phá trên các phương diện địa lí, văn hóa, điện ảnh… và thông qua cách khai phá ấy, người đọc có thể cảm nhận được sự tài hoa trong văn phong của hai tác giả Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương càng được thể hiện cụ thể, sinh động thì ta lại càng cảm nhận được trong đó tình cảm, say mê, yêu mến và tự hào của tác giả về cảnh sắc thiên nhiên của đất nước.
Cuối cùng mục đích của sự thể hiện đó của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường chắc hẳn là muốn mọi người cũng nên biết trân trọng và giữ gìn những nét đẹp vốn quý của tự nhiên tạo vật.
Sự khác biệt trong vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương
Nét khác biệt ở vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương có lẽ được thể hiện rõ ràng nhất khi hai tác giả đã miêu tả những ấn tượng của các dòng sông bằng những tài năng nghệ thuật của riêng mình.
Khi viết về vẻ đẹp trữ tình của sông Đà, Nguyễn Tuân đã làm nổi bật sự trữ tình bên cạnh nét tính cách khác là sự hung bạo của dòng sông thông qua biện pháp nghệ thuật nhân hóa.
Còn với Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn lại đặc biệt thành công khi sử dụng biện pháp so sánh và liên tưởng để khai thác vẻ đẹp của dòng Hương giang.
Cách viết của tác giả không chỉ đơn thuần cho người đọc cảm nhận được là nét trữ tình gắn với thủy trình, thi ca và tên gọi của nó mà còn giúp ta hình dung được những giá trị của dòng sông về mặt lịch sử, văn hóa.
Sông Đà hiện lên trên trang viết của Nguyễn Tuân với những nét đẹp quý giá đã góp phần làm cho hình ảnh của người lao động thêm nổi bật. Trên cái nền của bức tranh thiên nhiên với điểm nhấn là dòng sông, sự hiện diện của người lái đò là minh chứng nổi bật cho “thứ vàng mười” của vùng cao Tây Bắc.
Với “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, sông Hương đã được Hoàng Phủ Ngọc Tường hết lời ngợi ca và đó cũng chính là lời ngợi ca mà ông dành cho xứ Huế. Thông qua sự ca ngợi ấy, nhà văn cũng muốn bày tỏ và gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước của mình.
Kết bài: Như vậy, khi tìm hiểu sự khác biệt trong vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương, ta thấy hình ảnh hai dòng sông mang phong cách riêng của hai nhà văn đã thể hiện những tình cảm rất đáng quý ở họ.
Đó không chỉ là tình yêu dành riêng cho dòng sông chở nặng những tâm tư, nỗi niềm của những người nghệ sĩ mà suy rộng hơn còn là tình yêu nồng nàn dành cho xứ sở, quê hương…
Chính vì tình yêu đó, họ có thể biến những hình ảnh rất đỗi gần gũi, bình dị thành thành điểm nhấn rất thơ mộng, trữ tình trong bức tranh thiên nhiên của đất nước.
Dàn ý so sánh vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương
Để giúp các bạn nắm được nội dung bài viết so sánh vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương cũng như giá trị của từng tác phẩm, dưới đây DINHNGHIA.COM.VN sẽ giúp bạn lập dàn ý vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương.
Mở bài vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương
- Đi từ đề tài thiên nhiên sông nước trong thi ca xưa nay
- Dẫn dắt đến hình tượng sông Đà và sông Hương trong hai tác phẩm.
- Khẳng định vẻ đẹp trữ tình là tâm điểm được hai nhà văn hướng đến.
Thân bài vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương
- Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà qua ngòi bút của Nguyễn Tuân
- Qua hình dáng con sông.
- Màu nước của sông Đà.
- Quang cảnh hai bên bờ sông.
- Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Hương qua ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường
- Sông Hương trong hành trình kiếm tìm tình yêu.
- Vẻ đẹp nhẹ nhàng qua những áng thơ văn của dòng sông.
- Sông Hương với câu chuyện huyền thoại xưa nay.
- So sánh vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương
- Những nét tương đồng của hai dòng sông.
- Điểm khác biệt giữa sông Đà với sông Hương.
Kết bài vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương
- Khẳng định lại vẻ đẹp tương đồng và khác biệt của hai dòng sông.
- Đề cập tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước của hai nhà văn.
- Bày tỏ suy nghĩ của bản thân khi so sánh vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương.
Xem thêm:
- So sánh nhân vật Thị Nở và người vợ nhặt để thấy tâm hồn người phụ nữ
- Soạn bài và Tóm tắt Uy Lít Xơ trở về – Ngữ Văn 10
- Soạn bài Lão Hạc Ngắn Gọn HAY NHẤT và tóm tắt tác phẩm lão Hạc lớp 8
Có thể thấy, Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khắc họa hình tượng dòng sông với vẻ đẹp, dáng vẻ phong phú, đa dạng ở nhiều khoảng thời gian, không gian và điểm nhìn khác nhau. Cả hai tác giả đều đã tái hiện thật độc đáo và đa dạng vẻ đẹp của dòng sông gắn bó tha thiết với mình qua nhiều phương diện khác nhau… Trên đây là những phân tích và so sánh vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương, mong rằng đã mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích. Chúc bạn luôn học tốt!.