Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn nổi tiếng trong làng văn học Việt Nam, ông am hiểu sâu sắc đời sống của người nông dân và thường tập trung viết về họ. Trong đó phải kể đến hình tượng người phụ nữ được tái hiện một cách độc đáo thông qua nhân vật Thị trong tác phẩm Vợ nhặt. Hãy cùng tìm hiểu và phân tích nhân vật Thị trong Vợ nhặt của Kim Lân ngay nhé!
Nội dung bài viết
Giới thiệu tác giả Kim Lân và tác phẩm Vợ nhặt
Đôi nét về tác giả Kim Lân
Kim Lân tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Kim Lân chỉ được học hết bậc Tiểu học, hằng ngày ông vừa làm thợ vừa viết văn. Năm 1944, Kim Lân tham gia Hội Văn hóa cứu quốc và từ đó liên tục hoạt động văn nghệ như viết văn, làm báo, diễn kịch, đóng phim,… phục vụ cách mạng và kháng chiến.
Nhà văn Kim Lân chuyên viết truyện ngắn, các tác phẩm của ông chủ yếu tập trung khắc họa khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. Ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lý của những người nông dân nghèo – những con người gần gũi với cuộc sống và sinh hoạt của ông, đồng thời cũng gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng. Nhờ lối viết chân thực và mộc mạc, Kim Lân đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật năm 2001.
Giới thiệu chung về tác phẩm Vợ nhặt
“Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, được rút từ tập “Con chó xấu xí” năm 1962. Tiền thân của truyện là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”, được viết ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công nhưng đã bị thất lạc bản thảo khi còn dang dở. Đến năm 1954 sau khi hòa bình được lập lại, Kim Lân đã dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết lại truyện ngắn này.
Tác phẩm viết về cái đói và hiện thực khốc liệt của nạn đói 1945, nhưng đâu đó vẫn thể hiện niềm tin vào cuộc sống và tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa những mảnh đời nghèo khổ.
Gợi ý dàn ý phân tích nhân vật Thị
MỞ BÀI
Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm:
- Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn, ông am hiểu sâu sắc đời sống của người nông dân và thường tập trung viết về họ.
- “Vợ nhặt” là một trong số những truyện ngắn đặc sắc tái hiện hình ảnh người nông dân một cách rõ nét nhất của Kim Lân.
Khái quát về nhân vật người vợ nhặt: Thị – người vợ nhặt là một trong những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm, Thị đại diện cho những nạn nhân xấu số của nạn đói năm 1945 nhưng vẫn mang những vẻ đẹp phẩm chất riêng của người nông dân thời bấy giờ.
THÂN BÀI
- Hoàn cảnh sáng tác: Vợ nhặt được in trong tập Con chó xấu xí với tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư, tác phẩm được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng chưa hoàn thiện và bị mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại vào năm 1954, nhà văn Kim Lân đã dựa vào một phần truyện cũ để viết truyện ngắn này.
- Giá trị nội dung tác phẩm: Truyện ngắn “Vợ nhặt” không chỉ miêu tả tình cảnh đáng thương của người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống bền bỉ của họ. Đối diện với bờ vực của cái chết, họ vẫn luôn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để vượt qua khó khăn.
Phân tích nhân vật Thị
Luận điểm 1: Lai lịch, xuất thân và hoàn cảnh của Thị
– Không có quê hương gia đình: có thể thấy nạn đói năm 1945 đã đẩy biết bao con người vào cảnh lầm than, thất lạc quê hương, gia đình.
– Không có tên tuổi và được gọi bằng cái tên chung chung là “vợ nhặt”: cho thấy sự rẻ rúng của con người trong cảnh đói.
– Hoàn cảnh:
- Không có việc làm ổn định, cuộc sống bấp bênh, bị nạn đói hoành hành khiến Thị rơi vào hoàn cảnh trên bờ vực cái chết.
- Cái đói quay quắt đã đưa đẩy Thị đánh mất cả sĩ diện và lòng tự trọng
- Khắc họa lên Thị là nạn nhân của nạn đói với số phận bất hạnh, đáng thương.
Luận điểm 2: Ngoại hình của Thị
– Ngoại hình: quần áo tả tơi như tổ đỉa, gầy sọp, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt, cái ngực gầy lép nhô lên.
– Hành động, cử chỉ:
Lần thứ nhất: khi nghe câu hò vui của Tràng, Thị đã vui vẻ giúp đỡ, thể hiện sự hồn nhiên vô tư của người lao động nghèo.
Lần thứ hai:
- Thị sưng sỉa mắng Tràng, từ chối ăn trầu để được ăn một thứ có giá trị hơn.
- Khi được mời ăn tức thì ngồi sà xuống, mắt sáng lên, “ăn một chặp bốn bát bánh đúc”.
- Khi nghe Tràng nói đùa “đằng ấy có về với tớ… cùng về”, Thị đã theo về thật bởi đây là cơ hội để thị bấu víu lấy sự sống trong cái đói khổ.
Nhận xét: Cái đói khổ không chỉ làm biến dạng ngoại hình mà cả nhân cách con người, khiến người ta mất đi cả lòng tự trọng, sĩ diện và sự e thẹn, dịu dàng vốn có của người phụ nữ. Qua đó, người đọc vẫn cảm thông sâu sắc với Thị vì đó không phải là bản chất mà do cái đói che lấp.
Luận điểm 3: Phẩm chất, vẻ đẹp tâm hồn của Thị
– Có khát vọng sống mãnh liệt:
- Quyết định theo Tràng về làm vợ dù không biết về Tràng, chấp nhận theo về không cần sính lễ vì thị sẽ không phải sống cảnh lang thang đầu đường xó chợ.
- Khi đến nhà thấy hoàn cảnh nghèo khổ, trái ngược lời tuyên bố “rích bố cu”, Thị “nén một tiếng thở dài” tỏ ý chấp nhận để có cơ hội sống.
– Thị là người ý tứ và nết na:
- Trên đường về, thị rón rén e thẹn đi sau Tràng, đầu hơi cúi xuống thể hiện sự ngại ngùng cho thân phận vợ nhặt của mình.
- Khi vừa về đến nhà, Tràng đon đả mời ngồi, chị ta cũng chỉ dám ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, thể hiện sự ý tứ khi chưa xác lập được vị trí trong gia đình.
- Khi gặp mẹ chồng, ngoài câu chào thị chỉ cúi đầu, “hai tay vân vê tà áo đã rách bợt”, thể hiện sự lúng túng ngượng nghịu.
- Sáng hôm sau, Thị dậy sớm quét tước nhà cửa, không còn cái vẻ “chao chát, chỏng lỏn” mà hiền hậu, đúng mực.
- Lúc ăn cháo cám, mới nhìn “mắt thị tối lại”, nhưng vẫn điềm nhiên và vào miệng thể hiện sự nể nang, ý tứ trước người mẹ chồng, không buồn làm bà buồn.
Cái đói có thể cướp đi nhân phẩm trong khoảnh khắc nào đó chứ không vĩnh viễn cướp đi được tâm hồn con người.
– Thị còn là người có niềm tin vào tương lai: kể chuyện phá kho thóc trên Thái Nguyên, Bắc Giang để thắp lên hy vọng cho cả gia đình, đặc biệt là cho Tràng.
Nhận xét chung: Nhân vật người vợ nhặt là nhân vật thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm, tiêu biểu cho những người nghèo khổ, khốn cùng bị cái đói, cái chết đe dọa, đẩy đến bước đường cùng. Thị luôn khao khát hạnh phúc gia đình, đem đến làn gió tươi sáng, ấm áp cho gia đình anh Tràng và cả người dân ở xóm ngụ cư trong hoàn cảnh bi đát nhất.
Nghệ thuật đặc sắc
- Xây dựng tình huống truyện độc đáo.
- Cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn.
- Dựng cảnh sinh động, có nhiều chi tiết đặc sắc.
- Nhân vật được khắc họa sinh động, đối thoại hấp dẫn.
- Miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế.
- Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng chắt lọc và giàu sức gợi.
KẾT BÀI PHÂN TÍCH NHÂN VẬT THỊ
- Khái quát chân dung, vẻ đẹp của nhân vật người vợ nhặt.
- Nêu cảm nhận của em về nhân vật.
Bài mẫu phân tích nhân vật “Thị” hay nhất
Kim Lân là một trong số ít những nhà văn thành công khi viết về cái nghèo, cái đói để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Khi viết về cái đói, Kim Lân không dừng lại ở việc khơi gợi lòng thương cảm, xót xa mà còn khắc họa chi tiết những khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống của từng nhân vật. Với thông điệp “Hãy tin ở con người”, hầu hết nhân vật của Kim Lân đến cuối truyện luôn tìm về với bản chất tốt đẹp, đáng quý của mình. Ta hình ảnh người nông dân đó qua người vợ nhặt trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kim Lân.
Đến với truyện ngắn “Vợ nhặt”, người đọc bắt gặp những người dân nghèo khổ, khốn cùng, bị cái đói, cái chết đe dọa, đẩy vào cảnh lầm tham. Và ẩn chứa trong những con người ấy là những tâm hồn luôn hướng tới cái tốt, cái đẹp của cuộc sống, vươn lên để được sống đúng nghĩa. Đặc biệt là nhân vật Thị được khắc họa dưới ngòi bút của Kim Lân là nhân vật bị cái đói xui khiến, sẵn sàng vứt bỏ tự tôn để theo người xa lạ vì một miếng ăn nhưng vẫn luôn tồn tại những phẩm chất đáng trân trọng của một người phụ nữ truyền thống.
Nhân vật người vợ nhặt hiện lên trong tác phẩm không tên tuổi, không gốc gác, quê quán, không người thân, họ hàng. Kim Lân gọi nhân vật bằng đại từ phiếm chỉ “Thị”, “ả”, “người đàn bà” cho thấy thân phận mờ nhạt, đáng thương của nhân vật. “Thị” có thể là bất cứ người đàn bà khốn khổ, nghèo đói nào ngoài kia, họ cũng đang chết dần chết mòn về cả hình hài và nhân phẩm trong cái đói. Bằng lối văn tả thực của mình, Kim Lân đã cho người đọc thấy sự hiện hình của cái đói trên khuôn mặt Thị: “Áo quần tả tơi như tổ đỉa, Thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.” Ngoại hình của Thị khiến người ta liên tưởng tới sự hiện thân của cái khổ, cái nghèo đói. Thị là đại diện cho hàng triệu con người bần cùng, đói rách, tha phương cầu thực và rồi sẽ chết gục nơi đầu đường xó chợ.
Không chỉ là hình dáng bên ngoài, đến cả vẻ dịu dàng, nữ tính thiên bẩm của người phụ nữ ở Thị cũng bị cái đói bóp méo đến thảm hại. Thị đanh đá, táo bạo đến mức vứt bỏ liêm sỉ và lòng tự tôn. Lần đầu tiên gặp Tràng, chỉ vì một câu “hò cho đỡ nhọc” của Tràng: “ Muốn ăn cơm trắng mấy giò/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh”, Thị đã cong cớn bám lấy rồi “vùng đứng dậy” đẩy xe cho Tràng, chi tiết này toát lên sự hồn nhiên vô tư của người lao động nghèo. Nhưng ngay sau đó, Thị đến trước mặt Tràng “sưng sỉa” “nhắc chuyện cũ”, Thị không ngại ngùng “ngồi sà xuống ăn một chập bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”. Những hành động của Thị như là một bản năng sinh tồn để chống lại cái đói, làm mờ nhân phẩm ẩn sâu trong con người Thị. Thậm chí, đến cả việc lấy chồng, theo một người đàn ông về nhà chung sống cả đời Thị cũng quyết định hoàn toàn theo bản năng. Vin vào câu nói bông đùa của Tràng: “Này nói đùa chứ, có về ở với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về” mà Thị về thật không chút suy nghĩ. Không cần mai mối, không cần cưới hỏi, không cần mâm cao cỗ đầy, Thị theo không Tràng với hy vọng không còn phải lo miếng ăn mỗi ngày. Nhân vật người vợ nhặt hiện lên một cách rất chân thực và sinh động, bị cái đói khổ chi phối, làm biến dạng không chỉ ngoại hình mà còn cả phẩm chất, nhân cách con người. Nhưng nếu đặt Thị vào bối cảnh lúc bấy giờ, người đọc có thể hiểu rằng hành động theo Tràng của Thị xuất phát từ lòng khao khát được sống. Khi đã cận kề cái chết, người đàn bà không hề buông xuôi sự sống, trái lại vẫn vượt lên trên cái ảm đạm của số phận để dựng xây mái ấm gia đình. Tinh thần lạc quan, yêu sự sống của Thị chính là một phẩm chất rất đáng quý. Nói như Kim Lân: “Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai”.
Kim Lân không chỉ dừng lại việc khắc họa nhân vật người vợ nhặt ở sự vô duyên, vứt bỏ liêm sỉ mà còn thể hiện mặt khác trong con người Thị. Nhân vật người vợ nhặt là cả một sự đối lập giữa bề ngoài và nội tâm, giữa lúc đầu và về sau. Nếu ban đầu Thị cong cớn, chỏng lỏn và chao chát thì sau khi theo Tràng về nhà, Thị trở lại là người phụ nữ với nét tâm hồn đáng quý, đáng yêu.
Thị cũng biết xấu hổ, ngượng ngùng như bao cô gái lần đầu về nhà chồng.Trên đường về nhà cùng Tràng, khi biết mọi người xung quanh đang nhìn mình, Thị “ngượng nghịu chân nọ bước víu cả vào chân kia”. Đằng sau vẻ ngoài rách rưới, xấu xí, Thị cũng có lòng tự trọng và hiểu vì sao người ta nhìn mình và xì xào bàn tán. Giữa cái cùng cực, đói khát và khi tình yêu là thứ xa xỉ thì họ lại dắt díu nhau về với tâm thế “biết có qua nổi cái thì này không” . Khi về đến nhà, Thị chỉ dám “ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần”. Đứng trước mặt mẹ chồng, Thị chỉ dám “cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt” ngay cả khi nghe bà cụ Tứ bảo ngồi xuống, “Thị vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ”. Và người đọc có lẽ đã phải ồ lên đầy ngạc nhiên trước hành động “củng tay vào trán” Tràng và mắng yêu: “chỉ được cái thế là nhanh. Dơ!”. Đến đây, ta thấy được một con người khác trong Thị, giống như người thiếu nữ e lệ mới về nhà chồng, khác hẳn người đàn bà đanh đá, chua ngoa ban đầu nữa.
Trở thành vợ Tràng, Thị giường như về lại bản chất vốn có của một người phụ nữ Việt Nam thực thụ, Thị đảm đang, khéo léo, biết thu vén gia đình, “là người đàn bà hiền hậu đúng mực”. Thị như một cơn gió mát lành thổi vào cuộc sống u ám của mẹ con Tràng. Dưới bàn tay người phụ nữ, mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. “Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ, gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch”. Chỉ là những thay đổi hết sức nhỏ nhặt nhưng dường như Thị đã mang đến cả một thế giới khác cho mẹ con Tràng. Đối với Tràng, hắn cảm thấy “một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng”. Còn bà cụ Tứ thì “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo, u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Ở cuối truyện, chính người vợ nhặt đã dấy lên trong lòng Tràng biết bao dự định, hy vọng thay đổi cuộc sống. Thị nói: “Ở trên mạng Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc Nhật chia cho người đói nữa đấy”. Chính câu nói của Thị đã gợi lên trong đầu Tràng “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Có thể trong tương lai gần, hắn cũng sẽ đứng trong hàng ngũ những người đi phá kho thóc Nhật, thay đổi số phận của mình và gia đình. Đó chính là nhờ hơi ấm tình người đã khơi dậy niềm vui sống, tình yêu thương cũng như lòng yêu nước trong mỗi con người. Chính người đàn bà đói khát được Tràng, mẹ Tràng cưu mang lại làm cho cuộc sống của họ hồi sinh một lần nữa.
Không dừng lại ở đó, Kim Lân còn tái hiện lên hình ảnh Thị là một người con dâu mẫu mực trong gia đình, một người phụ nữ cam chịu, hy sinh và có lòng cảm thông sâu sắc. Theo một người đàn ông xa lạ về nhà, Thị hi vọng có nơi bấu víu để vượt qua cơn đói khát. Thế nhưng, khi về tới nhà Tràng, nhìn gia cảnh của mẹ con hắn, Thị không khỏi cất tiếng thở dài thất vọng. Điều đó khiến Thị không khỏi thất thần, buồn bã trước hoàn cảnh và số phận trớ trêu của mình. Mặc dù vậy, trong bữa cơm đầu đón nàng dâu, dù bữa ăn chỉ có “niêu cháo lõng bõng, mỗi người được lưng hai bát đã hết nhẵn”, lại phải ăn cháo cám, khi mẹ chồng múc cho Thị bát cháo cám, “hai con mắt tối sầm” nhưng “Thị vẫn điềm nhiên và vào miệng”. Đó chính là sự hài lòng và bằng lòng đối với cuộc sống, bởi những thứ bình dị đó đã giúp lòng người thêm gần gũi với nhau hơn, Thị hòa mình vào cuộc sống gia đình, không khí gia đình từ đó cũng trở nên ấm cúm lạ thường. Bát cháo cám đắng chát trong cổ khiến Thị không khỏi tủi hờn nhưng Thị không hề tỏ ra thất vọng hay chán nản bởi Thị hiểu hoàn cảnh của gia đình chồng. Có lẽ hơn ai hết, Thị hiểu rằng chính hai con người nghèo khổ kia đã không ngại đói nghèo mà cưu mang, che chở mình, đối với Thị, họ là ân nhân, là người Thị mang ơn. Và cũng có thể, nếu không có Tràng và bà cụ Tứ, ngay cả cháo cám Thị cũng không có để ăn, phải chết đói nơi đầu đường, xó chợ.
Nhân vật người vợ nhặt được Kim Lân khắc họa chỉ bằng vài câu miêu tả ngắn ngủi nhưng đây có thể coi là nhân vật không thể thiếu trong tác phẩm. Thị không chỉ là nhân vật mang thông điệp đầy tính nhân văn của nhà văn, khẳng định niềm tin vào phẩm chất tốt đẹp của con người mà còn là nhân tố tạo nên bước chuyển mình độc đáo của tác phẩm. Không có Thị, hai mẹ con Tràng sẽ mãi mãi bị vùi lấp trong cuộc sống tăm tối, lặng lẽ và câu chuyện có lẽ sẽ kết thúc theo một hướng nào đó bi đát, tồi tệ hơn, đồng thời cũng không thể gây cho người đọc sự thương cảm, xót xa sâu sắc đến thế. Nhân vật Thị có thể đanh đá, chua ngoa trước sự đe dọa của cái đói nhưng bản chất của Thị là người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp, đáng quý mà nếu anh cu Tràng không cho Thị cơ hội thì phẩm chất đó sẽ không được thể hiện ra ngoài. Đây chính là triết lý về sức mạnh của tình người, cứ cho đi và ta sẽ nhận được thứ quý giá hơn. Giống như nhân vật Thị khi được mẹ con Tràng cưu mang đã làm cho cuộc sống của họ mới mẻ tươi đẹp hơn, đáng sống hơn. Có thể nói, nhân vật không chỉ đưa chúng ta đến những nhận thức mới mẻ về con người mà còn làm khơi gợi trong lòng người đọc niềm thương cảm, chua xót cho thân phận rẻ rúng, đau khổ của người phụ nữ trong đói nghèo và chết chóc. Viết về sự đổi thay trong tâm tính của Thị, Kim Lân bày tỏ tình cảm trân trọng, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người dân nghèo không khó khăn, luôn luôn ngời sáng tình người.
Để xây dựng nên hình tượng người nông dân tiêu biểu trong tác phẩm, Kim Lân đã phải vận dụng những tài năng vốn có của mình. Ông đã khắc họa nhân vật với những chi tiết miêu tả đặc sắc và chân thực, xây dựng tình huống truyện độc đáo cùng lối kể chuyện gần gũi, tự nhiên. Đồng thời tâm lý của từng nhân vật qua từng hoàn cảnh được Kim Lân khắc họa rất rõ nét nhưng không kém phần tinh tế với ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng giàu sức gợi, giàu tính tượng hình. Nhờ đó đã mang lại cho người đọc những cảm xúc thật cũng như cái nhìn cảm thông đối với những người nông dân bất hạnh, nghèo khổ nhưng giàu sức sống tiềm tàng và mang trong mình tình yêu thương vô điều kiện giành cho những người cùng cảnh ngộ.
Thông qua hình tượng nhân vật người vợ nhặt, Kim Lân đã gửi gắm đến độc giả rất nhiều chiêm nghiệm sâu sắc. Đó có thể là lời nhắn nhủ: Đôi khi những thứ ta tận mắt thấy lại không hẳn là sự thật, hãy khoan phán xét con người qua hình dáng hay hành động nhất thời, chỉ có thời gian mới mang đến câu trả lời hoàn hảo. Qua nhân vật người vợ nhặt, người đọc thấy được ngòi bút xuất sắc của Kim Lân trong việc khắc họa và diễn tả nhân vật cũng như bối cảnh cuộc sống của người nông dân trong bối cảnh bấy giờ. Kim Lân thực sự đã tạo nên một tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc trong lòng mỗi độc giả và nền văn học Việt Nam.
Xem thêm:
- Phân tích 2 phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
- Tính dân tộc trong bài Việt Bắc của Tố Hữu – Ngữ Văn 12
- Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa đông: Vợ chồng A Phủ-Tô Hoài
Trên đây là những phân tích nhân vật Thị trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích. Nếu có bất cứ câu hỏi hay thắc mắc nào liên quan đến chủ đề phân tích nhân vật Thị, đừng quên để lại nhận xét bên dưới để cùng DINHNGHIA.COM.VN trao đổi thêm nhé!