Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến mới và hay nhất

Văn họcPhân tích hình tượng người lính Tây Tiến mới và hay nhất

Ngày đăng:

Hình ảnh những người lính cụ Hồ đã trở thành một biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc trong thời đại mới. Và để giúp các bạn có thể phân tích hình tượng người lính Tây Tiến – bức tượng đài của người lính cách mạng một cách tốt nhất, hãy cùng DINHNGHIA.com.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Giới thiệu về tác giả Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến

Tiểu sử

Quang Dũng có tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, ông sinh năm 1922 và mất vào năm 1988. Quê quán của ông ngụ ở Đan Phượng thuộc tỉnh Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Ngoài việc là một chiến sĩ hăng say hoạt động sau Cách mạng tháng Tám, ông còn được đánh giá là một người nghệ sĩ đa tài vì thể hiện nét thơ, cái duyên và sự sáng tạo của mình trên nhiều lĩnh vực như làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc.

Đặc biệt, ở vai trò là một nhà thơ, Quang Dũng đã luôn thổi cái hồn phóng khoảng, hồn hậu nhưng không kém phần tài hoa, lãng mạn vào trong từng câu chữ, ngữ điệu.

Quang Dũng có tên khai sinh là Bùi Đình Diệm
Quang Dũng có tên khai sinh là Bùi Đình Diệm

Sự nghiệp

Sự nghiệp của Quang Dũng bắt đầu chính thức là sau Cách mạng tháng Tám miền Bắc. Ông là một trong các tác giả thuộc thế hệ các nhà thơ miền Bắc trưởng thành. Tên ông được gắn liền với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Đôi bờ,… Bên cạnh đó, ông vẫn song song hoạt động với với trò nhạc sĩ, họa sĩ,…

Năm 2001, nhà thơ Quang Dũng được truy tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, tác phẩm được nên bật và ghi dấu ấn bao gồm: “Rừng biển quê hương” (1957), “Đường lên Châu Thuận” (1964), “Rừng về xuôi” (1968), “Mây đầu ô” (1986).

Sự nghiệp của Quang Dũng bắt đầu chính thức là sau Cách mạng tháng Tám miền Bắc
Sự nghiệp của Quang Dũng bắt đầu chính thức là sau Cách mạng tháng Tám miền Bắc

Dàn ý phân tích hình tượng người lính Tây Tiến của Quang Dũng

Để đi vào lập dàn ý phân tích cho hình tượng người lính Tây Tiến, người đọc – người viết cần hiểu được về hoàn cảnh sáng tác, bối cảnh bài thơ và ý nghĩa hình tượng người lính trong bài thơ.

Nhà thơ Quang Dũng đã sử dụng bút pháp hiện thực kết hợp với lãng mạn và đậm chất bi tráng để vẽ về hình ảnh chiến sĩ bôn ba giữa một bức tranh phong cảnh hùng vĩ. Khi phân tích hình tượng người lính Tây Tiến, ta thấy nhà thơ cũng đã làm toát lên chất lãng mạn bi tráng và vẻ đẹp độc đáo của hình tượng người lính cách mạng.

Toàn bài thơ là nỗi nhớ da diết của nhà thơ đối với đơn vị ở Tây Tiến. Đó là những chặng đường hành quân với biết bao gian khổ, thiếu thốn, hi sinh mất mát mà vẫn có nhiều kỉ đầy ấm áp.

Hình tượng người lính Tây Tiến đầy lãng mạn và bi tráng
Hình tượng người lính Tây Tiến đầy lãng mạn và bi tráng

Mở bài

  • Giới thiệu về hình tượng người lính trong văn học xưa nay.
  • Giới thiệu về tác giả Quang Dũng cùng tác phẩm Tây Tiến.
  • Đề cập đến phân tích hình tượng người lính Tây Tiến.
Mở bài đề cập đến phân tích hình tượng người lính Tây Tiến
Mở bài đề cập đến phân tích hình tượng người lính Tây Tiến

Thân bài

  • Về hình tượng người lính Tây Tiến qua vẻ đẹp hào hùng gan góc.
  • Vẻ đẹp nội tâm của người lính Tây Tiến: hào hoa, đa tình, lãng mạn.
  • Lẽ sống của người lính Tây Tiến còn là tinh thần hi sinh cao cả.
Phân tích về hình tượng người lính Tây Tiến qua vẻ đẹp hào hùng gan góc
Phân tích về hình tượng người lính Tây Tiến qua vẻ đẹp hào hùng gan góc

Kết bài

  • Khái quát hóa về hình tượng người lính Tây Tiến với những vẻ đẹp đã phân tích.
  • Nêu giá trị nội dung cùng nghệ thuật của tác phẩm, cũng như tài năng trong ngòi bút của Quang Dũng.
Phần kết bài có thể nói khái quát hóa về hình tượng người lính Tây Tiến với những vẻ đẹp đã phân tích
Phần kết bài có thể nói khái quát hóa về hình tượng người lính Tây Tiến với những vẻ đẹp đã phân tích

Đánh giá tác phẩm khi phân tích hình tượng người lính Tây Tiến

Khi tiến hành phân tích hình tượng người lính Tây Tiến, ta hết lời ca ngợi sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn, ngôn ngữ tạo hình và giàu tính nhạc điệu. Tác giả đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội rồi đặt hình ảnh người lính vào bên trong.

Nhờ thế, ông gieo vào lòng người những nốt nhạc anh hùng và bi tráng của bản hùng ca về những chiến sĩ quả cảm trong hàng ngũ đội quân Tây Tiến.

Dưới ngòi bút sáng tạo trộn lẫn với nghệ thuật độc đáo của Quang Dũng, hình ảnh người lính Tây Tiến đã được khắc họa thành công với những vẻ đẹp của những con người hào hoa không kém phần lãng mạn, luôn có một tinh thần hiên ngang cùng tâm hồn và lý tưởng cao đjep. Từ hình ảnh đẹp đẽ ấy, Quang Dũng với bài thơ này một lần nữa gửi gắm cũng như khẳng định tình yêu yêu quê hương, đất nước da diết, yêu con người tha thiết của tác giả.

Tác giả đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội rồi đặt hình ảnh người lính vào bên trong
Tác giả đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội rồi đặt hình ảnh người lính vào bên trong

Một số bài tham khảo về phân tích hình tượng người lính Tây Tiến

Bài tham khảo 1

Quang Dũng là một nhà thơ chiến sĩ với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu của một con người tài hoa, đa tài. Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, là kết tinh của những trải nghiệm trong cuộc đấu tranh chống Pháp cùng những người đồng đội trong binh đoàn Tây Tiến. Thành công nổi bật của của bài thơ là xây dựng được hình tượng người lính Tây Tiến vừa mang dáng dấp của những người chiến sĩ thuở trước, vừa mang những vẻ đẹp hiện đại của những người chiến sĩ chống Pháp, kiên cường nhưng cũng rất đỗi hào hoa, phong nhã.

Đọc Tây Tiến, có ý kiến cho rằng “người lính ở đây có dáng dấp của tráng sĩ thuở trước”. Ý kiến khác thì nhấn mạnh “Hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp”. Hai ý kiến tưởng chừng đối lập nhưng hoàn toàn thống nhất bởi nó đều là những nét đẹp đặc trưng trong hình tượng của những người lính Tây Tiến. “Dáng dấp của tráng sĩ thuở trước” là những nét đẹp lí tưởng mang tính ước lệ của văn chương trung đại, “mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời chống Pháp” lại hướng đến những nét đẹp hiện đại của những người chiến sĩ vệ quốc quân thời kháng chiến chống Pháp.

Trước tiên, hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên với dáng vẻ oai phong, lẫm liệt cùng tinh thần xả thân tự nguyện, tư thế ngang tàng, ngạo nghễ coi cái chết nhẹ tựa hồng mao:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
…………..
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Hình tượng người lính Tây Tiến được đặt trong không gian đầy hào hùng, cổ xưa gợi cho độc giả liên tưởng đến không gian bi hùng cổ xưa, nơi những chiến binh anh hùng ra đi vào cuộc chinh chiến. Trong bài thơ Tây Tiến, tác giả Quang Dũng đã sử dụng hàng loạt những từ ngữ Hán Việt “biên cương”, “mồ viễn xứ”, “áo bào” để làm tăng tính trang trọng, để làm cho sự ra đi của người lính giảm bớt đau thương, thiêng liêng hóa cho sự hi sinh thầm lặng đó.

Không gian chiến trường trong bài thơ Tây Tiến hiện lên là miền viễn xứ chốn biên ải, đây là nơi chiến đấu, cũng là nơi mãi mãi nằm xuống của những người lính vô danh, họ đã dâng hiến cả cuộc đời, cả tuổi xanh cho sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ tổ quốc “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Trong sự thiếu thốn của hoàn cảnh, manh áo không lành lặn trên người của những người lính ấy cũng chính là “áo bào”để “thay chiếu anh về đất”. Tuy nói về cái mất mát, hi sinh đấy nhưng nhờ sử dụng ngôn ngữ trang trọng, hình ảnh ước lệ mà sự hi sinh ấy trở nên thật thiêng liêng, cao đẹp.

Không chỉ mang vẻ đẹp của những người chiến binh xưa mà những người lính Tây Tiến còn mang trong mình vẻ đẹp của những người chiến sĩ giải phóng của thời chống Pháp, hào hùng, kiên cường nhưng rất đỗi hào hoa, lãng mạn. Những người lính trong binh đoàn Tây Tiến chiến đấu với tinh thần vệ quốc của cuộc kháng chiến chống Pháp, quyết hi sinh, dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp lớn của đất nước:

“Người đi Tây Tiến không hẹn ước
………….
Hồn về Sầm Nứa, chẳng về xuôi”

Sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt, thiếu thốn về vật chất, hiểm nguy trong chiến đấu với cái chết kề cận nhưng những người lính ấy chưa từng thoái chí, sờn lòng mà luôn lạc quan, vui vẻ thể hiện được sức sống căng tràn của những chàng trai Hà Thành lãng mạn, mộng mơ:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Cuộc sống quân ngũ gian khổ nhưng những người lính vẫn một lòng hướng về biên giới với tinh thần đấu tranh quyết liệt, mạnh mẽ với kẻ thù. Cùng với sự kiên cường, quả cảm trong chiến đấu là những phút lãng mạn, hào hoa của những chàng trai khi nhớ về bóng dáng kiều thơm. Những người lính trong tây Tiến mang vẻ đẹp hào hùng của những người lính vệ quốc nhưng cũng thể hiện những nét đẹp tươi trẻ, nghịch ngợm của những chàng trai đôi mươi đầy lãng mạn, mộng mơ. Cũng chính tinh thần lạc quan, yêu đời cùng những cảm xúc hào hoa, lãng mạn ấy đã mang đến doanh trại – nơi vốn trang nghiêm với những kỉ luật thép trở nên thật rực rỡ, ấn tượng với “hội đuốc hoa”.

Hình tượng những người lính Tây Tiến cũng được gắn liền với sự kiện lịch sử có thật, đó chính là cuộc hành binh của những người lính Tây Tiến, những địa danh xuất hiện trong bài thơ cũng là những địa danh có thực, ngôn ngữ thơ cũng thật bình dị như lời thì thầm tâm sự của những người lính.

Như vậy, hai ý kiến nhận định về bài thơ Tây Tiến nhìn bên ngoài có vẻ đối lập nhưng hoàn toàn thống nhất vì cùng hoàn thiện cho vẻ đẹp của người lính Tây Tiến, vừa kiên cường, quả cảm vừa lãng mạn hào hoa.

Ví dụ về bài văn phân tích hình tượng người lính Tây Tiến
Ví dụ về bài văn phân tích hình tượng người lính Tây Tiến

Bài tham khảo 2

Trong dòng thơ Quang Dũng, người lính Tây Tiến trên bước đường hành quân là hiện thân của một bức chân dung hào hùng, gan góc. Khi phân tích hình tượng người lính Tây Tiến, ta thấy ngoại hình của họ được khắc họa rất thực:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”.

Quang Dũng đã khắc họa một diện mạo rất độc đáo khi miêu tả họ trong dáng vẻ “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”. Chính cái vẻ độc đáo ấy đã cho thấy một hiện thực khắc nghiệt mà người lính phải đối diện: ốm yếu và xanh xao.

Tuy nhiên, cái ốm yếu và xanh xao ấy lại không thể nào vượt lên được sức mạnh tinh thần nơi họ. Hoàn cảnh càng gian khổ, thiếu thốn và khốc liệt thì tinh thần ấy lại trỗi dậy càng mạnh mẽ, quyết liệt để giúp họ vượt qua những hiểm trở của địa hình chiến đấu:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

Và cũng rất gian nguy với những hiểm nguy:

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”.

Dưới ngòi bút của tác giả, thiên nhiên miền Tây Bắc hiện lên thật hùng vĩ, dữ dội. Bằng hệ thống các từ ngữ, Quang Dũng đã thể hiện sự khó khăn của điều kiện thiên nhiên.

Nếu điệp “dốc” gợi sự nối tiếp, dốc đứng của những đoạn đường hành quân thì các từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm” với nhiều thanh trắc đã tạo nên tính chất gập ghềnh, trắc trở của núi non.

Độ cao và sâu của núi đồi càng được tô đậm hơn nữa bởi cặp từ tương phản “lên – xuống” và điệp từ “ngàn thước”. Để chinh phục được đoạn đường hành quân đầy khó khăn kể trên quả thật không phải là điều đơn giản.

Ấy vậy mà, sự “khúc khuỷu” của dốc núi, sự “heo hút” của cồn mây, sự “thăm thẳm” của vực sâu, sự “gầm thét” của thác nước, sự dữ tợn của thú rừng… vẫn không tài nào ngăn bước hành quân của những người trai chiến sĩ.

Thậm chí đã có lúc khoác súng đứng trên đỉnh núi cao chót vót, họ đã tếu táo đùa vui là “súng ngửi trời”.

Và khi phân tích hình tượng người lính Tây Tiến, người đọc nhận ra chính những hiểm trở, gian nguy của chiến trường miền Tây ấy đã góp phần tôi rèn ở họ sự gan góc và anh hùng – những nét tính cách rất cần có để họ có thể đương đầu với những thử thách, khó khăn của nhiệm vụ chiến đấu.

Chịu đựng nhưng cố gắng, trách nhiệm và lạc quan là những tính cách đã góp phần tô đẹp hình ảnh người chiến sĩ Tây Tiến. Và lẽ ra với những vẻ đẹp ấy, họ có quyền được trở về bình yên sống với những yêu thương mà họ nâng niu trân trọng.

Vậy mà khi phân tích hình tượng người lính Tây Tiến, người đọc nhận ra đã có lúc, cái quyền bình dị ấy lại trở nên nan giải vô cùng khi:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Để viết được những dòng thơ này, có thể nhà thơ đã phải nén lại nỗi xót xa khi bản thân chứng kiến hiện thực mất mát, đau thương.

Dù sử dụng biện pháp nói tránh qua các từ ngữ “thay chiếu”, “về đất”, các từ ngữ Hán Việt mang âm hưởng cổ kính, hùng tráng như “chiến trường”, “biên cương”, “viễn xứ” để nói về sự hi sinh nhưng tác giả có cố cách mấy.

Người đọc cũng không hỏi xót xa khi đến lúc cống hiến thân mình cho sự nghiệp đất nước và đến lúc nhắm mắt xuôi tay, đời sống vật chất của họ lại thiếu thốn đến nỗi một manh chiếu liệm cũng trở nên xa xỉ.

Rồi đến lúc, họ sẽ trở thành những nấm mồ vô danh nằm “rải rác biên cương” ở những nơi xa lạ và cô độc. Đi với anh chỉ là chiếc áo lính đã sờn cũ nhưng với các anh lính, chiếc áo thấm đẫm nhọc nhằn lại là chiếc “áo bào” quý giá ghi dấu cả một thời thanh xuân cống hiến miệt mài.

Sự cống hiến anh dành cho sự nghiệp chung không hề có một thoáng chần chừ, hối hận bởi họ đã đi mà chẳng “tiếc đời xanh”. Sự ra đi này có lẽ họ đã dự cảm về những điều không may có thể xảy ra, thế nên:

“Tây Tiến người đi không hẹn ước”

Và sự thật là:

“Đường lên thăm thẳm một chia phôi”

Những người chiến sĩ đã ra đi nhưng họ lại được ra đi trong sự tiễn đưa oai hùng của hồn thiêng sông núi. “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” để tiễn chân và đất mẹ lại đón chào những người con ưu tú bằng tấm lòng bao dung.

Khi phân tích hình tượng người lính Tây Tiến, người đọc cảm nhận được rằng sự hi sinh thiêng liêng của các anh vì thế mà hóa thành bất tử.

Ví dụ về bài văn phân tích hình tượng người lính Tây Tiến
Ví dụ về bài văn phân tích hình tượng người lính Tây Tiến

Bài tham khảo 3

Một trong những bài thơ hay mà cho tới tận hôm nay, những vần thơ ấy vang lên vẫn giống như một khúc ca đi cùng năm tháng, Tây Tiến đã trở thành một hiện tượng trong thơ Quang Dũng, cũng là một trong những bài thơ hay nhất viết về người lính. Những câu thơ mang một vẻ hào hoa, mang một phong cách hồn hậu, phóng khoáng. Không những thế qua bài thơ Tây Tiến chúng ta thấy được vẻ đẹp bi tráng của những người lính Tây Tiến và về một thời hào hùng đã qua đi.

Câu thơ mở đầu như một khúc nhạc dạo cứ ngân dài mãi, khúc nhạc ấy nhắc tới hình ảnh Sông Mã, Tây Tiến ngay ở câu mở đầu cũng được ưu ái với một cách gọi thân thương “Tây Tiến ơi” . đây chính là một trong tiếng gọi trở về những năm tháng kề vai sát cánh bên nhau trong hành quân chiến đấu. Sông Mã hào hùng như minh chứng cho một thời oanh liệt đã qua, cứ ồ ạt cuốn nước chảy tới vô bờ. Vẻ đẹp của những anh hùng tây tiến cũng từ đó hiện ra, vẻ đẹp của những con người đã in dấu chân trên những con đường hành quân.

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Một thời đạn bom đó đã để lại nỗi ám ảnh cho những người trực tiếp tham gia chiến đấu. Cách hiệp vần ở những chữ cuối mỗi câu khiến cho câu thơ càng vang xa, ngân mãi trong đêm: “ơi, vơi, hơi”. Nó giống như lúc những anh lính tây tiến trút hơi thở mệt mỏi sau một ngày hành quân. Hai địa danh Sài Khao và Mường Lát hiện lên khắc sâu vào nỗi nhớ của tác giả. Hai địa danh ấy gắn với những cuộc hành quân của đoàn quân tây tiến. “đêm hơi” khiến cho độc giả nghĩ tới nhiều sự vật kì vĩ, đêm hơi có thể là đêm đầy sương và hơi sương, đêm hơi còn là đêm của không khí lạnh của rừng sâu, nhưng cũng có thể là sự di chuyển nhẹ nhàng của những chiến sĩ đoàn quân tây tiến hay chính là những hơi sương trong đêm hành quân ấy thể hiện những khó khăn vất vả của đoàn quân. Những khó khăn của những người lính tây tiến lại trở nên đẹp đẽ và nên thơ trong những vần thơ của Quang Dũng. Đó là những gian nan mà những người lính phải trải qua, chính những gian nan đó lại càng tô đậm vẻ đẹp bi tráng của họ những triền dốc khiến người ta mới nhìn đã thấy ngại, hai từ thăm thẳm trong câu thơ khiến độ hun hút của những con dốc lại càng trở nên nguy hiểm biết bao nhiêu. Chưa dừng lại đó, những hình ảnh hun hút, đầu súng của những người lính đang đùa giỡn với mây trời.

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Những độ cao độ sâu ấy được tính bằng ngàn thước, mục đích của nó nhằm nhấn mạnh vào những gian khổ mà đoàn quân phải vượt qua. Nhưng đến câu thơ cuối thì một dòng toàn thanh bằng lại được xuất hiện như bù lại cho những câu thơ mang nhiều thanh trắc. Sự bằng ấy mang đến cho chúng ta một cảm giác thật sự yên bình. “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Những lúc mưa gió, đoàn quân nghỉ ngơi và nhìn ra những cơn mưa như trút nước xuống, khiến một vùng trắng xóa như những mặt nước trắng xóa vậy.

Những gian nan khó khăn ấy mở nguồn cho hình ảnh đẹp vi tráng của những người lính ấy. Cũng có những lúc sự hồn nhiên của người lính được thể hiện qua những giây phút mệt mỏi, gục lên ba lô và ngủ, bỏ lại sau đó những khó khăn vất vả, những hiểm nguy của kháng chiến. Hình ảnh người lính gục lên súng mũ dãi dầu không bước nữa là một hình ảnh đẹp. Câu thơ nhằm nói giảm đi cái chết, cái hi sinh của những người chiến sĩ ấy. Đó là một vẻ đẹp bi tráng, cái hi sinh kia là bi nhưng trong cái bi ấy ta lại thấy một cái tráng lệ vô cùng. Họ có thể hi sinh nhưng trong một tư thế rất nhẹ nhõm, “bỏ quên đời” những kí ức về những lúc dừng chân mệt mỏi, những kỉ niệm với những buổi chiều và ban đêm với những con thú dữ gầm rú lên, nhớ những đêm mùa nếp xôi ở Mai Châu.

Ở đoạn thơ tiếp theo người lính hiện ra với vẻ hồn nhiên, có một đời sống tinh thần cũng vô cùng vui vẻ lạc quan, những hình ảnh liên hoan đời thường, cùng với cô gái Viêng Chăn xinh đẹp kiều diễm với tình dân quân thân thiết đẹp sao. Bỏ qua những vất vả những người lính hiện ra với vẻ đẹp oai hùng mà cũng hồn.

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Hình ảnh có thấy dáng người trên độc mộc và hoa đong đưa tạo nên một hình ảnh có đôi có cặp, hình ảnh hoa xoáy vào dòng nước càng tạo nên vẻ đẹp thơ mộng nơi đây.

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Không chỉ khó khăn trên chiến trường chiến đấu, những câu chuyện về bệnh tật và nơi khí hậu khắc nghiệt cũng được đưa vào trong thơ của Quang Dũng. Không một chút giấu diễm, sự thiếu thốn hay những căn bệnh như sốt rét, khiến cả binh đoàn bị rụng hết tóc, quang Dũng đã khai thác một vẻ đẹp hết sức chân thực của người lính Tây tiến, dù khó khăn khắc nghiệt nhưng tinh thần chiến đấu chưa bao giờ kết thúc. Hình ảnh quân xanh màu lá là những hình ảnh gầy gò ốm nhưng không hề yếu mà vẫn dữ oai hùm. Mắt trừng gợi cho ta liên tưởng đến sự căm thù giặc của những anh hùng tây tiến. Những ánh mắt hiện lên lửa hi vọng và tinh thần chiến đấu oai hùng, không một chút phó mặc cho số phận, cũng có thể đó chính là sự thức trắng không ngủ được vì lo cho biên giới hoặc mở mắt để nhớ những bóng kiều thơm kia. Đó sự hi sinh của những người chiến sĩ ấy, họ phần lớn là những trí thức Hà Thánh ngày đêm nghĩ đến quê nhà với những bóng hồng mà không bao giờ mờ nhạt trong lòng họ. Đó chính là cái bi của vẻ đẹp người lính. Nhưng nó lại rất tráng vì người ta chết đi vì lí tưởng cao cả của mình thì đó chính là cái chết đẹp. Thay vì chiếu đắp lên, sự ra đi của các anh được ví như sự ra đi của những người được những người khác tôn trọng và biết ơn. Những áo bào thì thay bằng chiếu thể hiện sự giản dị của những người lính. Chiến trường khắc nghiệt làm cho anh phải ra đi chỉ có mảnh chiếu che thân. Đất mẹ chính là nơi các anh sinh ra cũng là nơi mà các anh về, đất mẹ che chở cho các anh mãi mãi yên bình với giấc ngủ ngàn thu của mình. Một lần nữa, hình ảnh sông Mã hiện ra, gầm lên khúc hành ca, như kính cẩn tiễn đưa linh hồn các anh, không phải là sự chơi vơi nữa mà là tiếng gầm, nó càng tạo nên chất tráng cho bài thơ.

Dưới ngòi bút hào hoa của Quang Dũng những hình ảnh về những người lính Tây Tiến vừa hồn hậu, giản dị lại hết sức khí phách. Qua đây ta cũng thấy được những vẻ đẹp bi tráng của những chiến binh tây tiến, cảm nhận được như thế chúng ta càng thêm yêu hơn những con người vì quê hương đất nước. Hình tượng các anh vẫn mãi sống trong lớp lớp thế hệ.

Ví dụ về bài văn phân tích hình tượng người lính Tây Tiến
Ví dụ về bài văn phân tích hình tượng người lính Tây Tiến

Xem thêm:

Như vậy, qua bài viết trên, DINHNGHIA.com.vn đã phân tích hình tượng người lính Tây Tiến để giúp các bạn có thể cảm nhận được hình ảnh này một cách chân thật, và hào hùng nhất. Hy vọng qua những cảm nhận và phân tích hình tượng người lính Tây Tiến, bạn đã có thêm những kiến thức hữu ích phục vụ quá trình học tập. Chúc bạn luôn học tốt!

Hãy để lại bình luận

Xem nhiều

Bài tin liên quan

Cách quy đổi từ cm/s² sang m/s² một cách chính xác

Việc chuyển đổi đơn vị gia tốc từ cm/s²...

1 tấn bằng bao nhiêu kN? Công thức quy đổi tấn sang kN chính xác

Bạn đang thắc mắc 1 tấn bằng bao nhiêu...

1C Bằng Bao Nhiêu μC? Công thức quy đổi 1C sang μC

Trong cuộc sống hàng ngày và trong lĩnh vực...

Kim Soo Hyun là ai? Tất tần thông tin về nam diễn viên Kim Soo Hyun

Kim Soo Hyun là một trong những nam diễn...