Phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu [HAY NHẤT]

0
(0)

Phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc của tác giả Tố Hữu để thấy ý thơ chính là khúc ca ân nghĩa và ân tình sâu nặng. Việt Bắc cũng là sự hồi tưởng đầy cảm phục về chặng đường mười lăm năm đã qua, từ đó bày tỏ sự trân trọng và tấm lòng biết ơn đối với nhân dân Việt Bắc. Không những thế, phân tích đoạn đầu bài thơ Việt Bắc còn cho thấy tình cảm chân thành mà nhân dân Việt Bắc và người cán bộ cách mạng dành cho nhau… Hãy cùng DINHNGHIA.COM.VN tìm hiểu và phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc qua bài viết dưới đây.

Mở bài: Nhắc đến Tố Hữu, người ta thường biết đến ông với một phong cách thơ độc đáo và đầy hấp dẫn. Đặc điểm nổi bật trong những sáng tác của Tố Hữu là chất trữ tình – chính trị sâu sắc.

Một trong những tác phẩm thể hiện sự độc đáo trong phong cách sáng tác của Tố Hữu là bài thơ “Việt Bắc”. Tác phẩm đã ghi lại những kỉ niệm đẹp đẽ và sâu nặng trong lòng người lính đối với một vùng đất đã từng gắn bó qua giọng điệu thiết tha và chân thành.

Ngay từ tám câu thơ đầu của bài, Tố Hữu đã thể hiện những nỗi niềm, tâm tư của mình bằng những dòng viết rất đỗi da diết sâu nặng.

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

Tìm hiểu về tác giả Tố Hữu và tác phẩm Việt Bắc

Trước khi phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc nói riêng hay cảm nhận về tác phẩm nói chung, người đọc cần nắm được đôi nét về tác giả và tác phẩm.

Giới thiệu nhà thơ Tố Hữu

Tố Hữu (sinh năm 1920 – mất năm 2002), tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo giàu truyền thống văn chương ở Huế.

Thuở bé, ông được cha dạy cho cách làm thơ theo lối cổ còn người mẹ dịu hiền đã vun đắp trong ông những tình cảm dào dạt bằng vốn ca dao, dân ca phong phú của mình.

Cái duyên văn chương đến với ông cũng từ đó mà ra. Không chỉ vậy, chính vùng đất Thừa Thiên – Huế quê hương thơ mộng, trữ tình đã ít nhiều ảnh hưởng đến hồn thơ Tố Hữu.

Bên cạnh những ảnh hưởng từ gia đình, quê hương, bản thân Tố Hữu cũng có những năng khiếu rất đặc biệt để làm nên sự thành công trong sáng tác của ông. Đó là sự nhạy cảm và những trải nghiệm quý báu mà Tố Hữu có được trong cuộc đời làm cách mạng của mình.

Và viết thơ cũng là cách để tác giả thể hiện sự song hành của những tâm tư, nỗi niềm riêng mình với con đường cách mạng mà ông theo đuổi.

Mười tám tuổi, Tố Hữu được đứng vào hàng ngũ của Đảng và con đường cách mạng của ông gặp rất nhiều những thử thách, chông gai. Từ 1939-1942, Tố Hữu bị bắt giam ở nhiều nhà ngục miền Trung và Tây Nguyên.

Bằng sự gan góc của mình, tháng 3 năm 1942, Tố Hữu vượt ngục và bắt đầu hoạt động bí mật ở Thanh Hóa.

Năm 1945, ông làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa ở Huế và từ năm 1945 trở đi, cuộc đời ông vẫn tiếp tục gắn liền với những giai đoạn cách mạng của nước nhà.

Và chính sự tận tâm, uy tín trong làm nhiệm vụ mà ông đã được giao đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng trong bộ máy chính trị của Đảng và nhà nước.

Tố Hữu đã dùng những thử thách, những chuyển biến trong đời làm cách mạng của mình làm chất liệu để sáng tác thơ ca và khi sáng tác, ông cũng nhằm phục vụ cho lí tưởng cộng sản mà mình theo đuổi.

Những tập thơ Tố Hữu cho ra đời chính là minh chứng rõ rệt cho sự đồng hành giữa con đường thơ và con đường cách mạng của ông:

  • “Từ ấy” (1937-1946): Đây là tập thơ thể hiện tiếng hát của người thanh niên cộng sản say mê lí tưởng và khát khao chiến đấu, sẵn sàng xả thân, hi sinh vì cách mạng.
  • “Việt Bắc” (1947-1954): Tập thơ tập hợp những sáng tác trong thời kì kháng Pháp với nội dung ca ngợi công cuộc kháng chiến và con người kháng chiến.
  • “Gió lộng” (1955-1961): Tập thơ này bao gồm những sáng tác để nói lên sự phấn chấn khi viết về thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và nỗi thương nhớ với miền Nam còn chìm trong máu lửa, giặc thù.
  • “Ra trận” (1962-1972) và “Máu và hoa” (1972-1977): Hai tập thơ ra đời trong thời kì chống Mĩ ác liệt kéo dài ở hai miền Nam-Bắc nhằm ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống kiên cường, bất khuất cùng với niềm tin tương về con người và đất nước Việt Nam.
  • “Một tiếng đờn” (1992) và “Ta với ta” (1999): Đây là hai tập thơ đúc kết lại những chiêm nghiệm của tác giả về chặng đường cách mạng của dân tộc và con đường hoạt động của bản thân với giọng thơ trầm lắng, suy tư.
Chân dung nhà thơ Tố Hữu
Chân dung nhà thơ Tố Hữu

Hoàn cảnh ra đời bài thơ Việt Bắc

Bài thơ “Việt Bắc” là bài thơ được trích từ tập thơ cùng tên được sáng tác nhân một sự kiện mang tính chất lịch sử. Vào tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, miền Bắc được giải phóng và bắt tay vào xây dựng đất nước.

Đến tháng 10 năm 1954, cơ quan Trung ương Đảng và chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Chính vì phải chia tay với vùng đất, với những con người đã từng gắn bó.

Tố Hữu đã viết bài thơ này để ghi lại một giai đoạn hoạt động cách mạng gian khổ nhưng vẻ vang ở chiến khu Việt Bắc.

 

Hoàn cảnh ra đời
Hoàn cảnh ra đời

Phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc của tác giả Tố Hữu

Cuộc chia tay đầy lưu luyến giữa người ở lại với người ra đi được thể hiện trọn vẹn qua những dòng thơ đầu. Khi phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc, ta sẽ thấy rất rõ điều này.

Lời của người ở lại khi phân tích đoạn đầu bài thơ Việt Bắc

Mở đầu bài thơ là những lời ướm hỏi của người ở lại với người cán bộ về xuôi:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”

“Mười lăm năm” đã gợi ra khoảng thời gian mà cảnh Việt Bắc và người Việt Bắc gắn bó với người chiến sĩ. Dù gian lao và khó khăn đấy nhưng lại hết sức nghĩa tình, thân thiết.

Ngoài việc sử dụng từ ngữ có tác dụng gợi thời gian nói trên, tác giả còn sử dụng cặp đại từ xưng hô quen thuộc “mình – ta” để thể hiện sự gần gũi, khắng khít trong tình cảm.

Khi phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc, ta thấy khoảng thời gian ngần ấy năm đã qua thực sự đã để lại trong tâm trí người ở lại rất nhiều những nỗi nhớ, niềm thương đạt đến độ “thiết tha”, “mặn nồng” của cảm xúc.

Bên cạnh đó, việc sử dụng kết đôi từng cặp những hình ảnh “cây”–“núi”, “sông”–“nguồn” mang đặc trưng của thiên nhiên, không gian Việt Bắc đã cho thấy một tình cảm gắn kết, hòa hợp khó có thể tách biệt, cắt chia.

Lời hỏi nhìn cây có nhớ núi, nhìn sông có nhớ nguồn là cách hỏi ẩn ý liệu rằng khi nhìn thấy những điều gợi liên tưởng đến núi rừng, sông suối Việt Bắc.

Người đi cũng có nhớ đến kẻ ở lại hay không, và có nhớ đến ân tình tha thiết, gốc rễ và ngọn nguồn của quê hương cách mạng ở chốn này hay không.

Từ “nhớ” được điệp lại trong khổ thơ như một lời khẳng định về tình cảm của người ở đối với người chiến sĩ. Dù không biết cảm xúc của người cán bộ về xuôi như thế nào nhưng với những người ở lại thì “ta” rất nhớ “mình” và đó là nỗi nhớ rất sâu đậm và sẽ không bao giờ ngớt vơi.

Phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc, người đọc nhận ra chỉ với bốn câu thơ này, tác giả đã thể hiện lời ướm hỏi rất chân tình, mộc mạc nhưng lại diễn tả được những tình cảm thân thiết, gắn bó của người Việt Bắc với cán bộ kháng chiến trong tâm trạng day dứt, băn khoăn.

Lời của người ra đi khi phân tích đoạn đầu bài thơ Việt Bắc

Đáp lại lời hỏi chân thành ấy, người ra đi cũng nói lên hết những suy nghĩ, tâm tư chất chứa trong lòng:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

Phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc, ta thấy mặc dù không trực tiếp trả lời những thắc mắc xuất hiện trong câu hỏi của người ở lại.

Dù vậy người cán bộ cách mạng đã nghe được sự “bâng khuâng”, “bồn chồn” trong tiếng lòng của mình để rồi họ không biết phải làm gì, cũng không biết phải nói gì trong giây phút “cầm tay nhau” xúc động.

Thế nhưng, chính cử chỉ “cầm tay nhau” ấy đã nói lên tất cả những tình cảm sâu sắc mà người chiến sĩ dành cho đồng bào, con người Việt Bắc.

Cách sử dụng phép tu từ hoán dụ thông qua hình ảnh “áo chàm” đã cho thấy hình ảnh con người Việt Bắc đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của người cán bộ.

Phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc, ta nhận ra “Áo chàm” vốn là màu áo của đồng bào Việt Bắc, màu gợi sự giản dị trong đời sống và bình dị ở cả tâm hồn lại xuất hiện trong khoảnh khắc chia tay.

Dường như, trong phút giây tiễn chân người chiến sĩ về xuôi thì không chỉ có một mà là cả nhân dân miền Bắc đều hiện diện để từ biệt.

Điều đó cho thấy họ đã xem những anh bộ đội chiến sĩ trở thành những người thân thương, máu mủ để khi chia xa lại cảm thấy xót lòng, đau nhói.

Chính vì cảm nhận được tấm lòng nhiệt thành khi đón tiếp cũng như sự luyến tiếc trong phút chia tay của người đồng bào dành cho mình mà các anh chiến sĩ cũng thấy trong lòng mình sự bịn rịn, lưu luyến không nỡ rời.

Chính vì lẽ đó mà hình ảnh “cầm tay nhau” mới gợi niềm xúc động lớn lao ấy.

Bao nhiêu tình thương, nỗi nhớ giờ đây có lẽ cũng không nhất thiết tỏ bày ra bằng lời nói nữa vì sự ngập ngừng, bỏ lửng trong lời nói được diễn đạt qua câu thơ đã nói lên tất cả những xúc động, nghẹn ngào của người chiến sĩ khi về xuôi.

Phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc, ta nhận thấy thật sự ngôn ngữ lúc này đã trở nên vô hiệu hóa và không thể giúp người đi nói lên hết được những cảm nghĩ chất chứa trong lòng.

Vậy nên, sau phút chia tay bịn rịn, lưu luyến và chan chứa ân tình ấy, người cách mạng đành ngậm ngùi “bồn chồn bước đi” dù “bâng khuâng trong dạ”.

Dấu ấn ca dao trong đoạn thơ đầu bài Việt Bắc

Khi phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy những dấu ấn ca dao trong cách thể hiện tâm trạng người đi kẻ ở của Tố Hữu.

Trước hết, tác giả đã sử dụng hình thức lục bát và tạo dựng kết cấu đối đáp vốn là thể thơ và mô típ rất quen thuộc trong ca dao, dân ca của dân tộc:

“Bây giờ mận mới hỏi đào

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa

Mận hỏi thì đào xin thưa

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”

Có thể tìm được thêm nhiều trường hợp khác cũng có lối đối đáp rất duyên dáng như thế trong ca dao Việt Nam, chẳng hạn như:

“Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím

Em có chồng rồi trả yếm cho anh

Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh

Yếm em em mặc, yếm chi anh đòi”

Hay:

“Đố anh chi sắc hơn dao,

Chi sâu hơn bể, chi cao hơn trời?

Em ơi mắt sắc hơn dao,

Bụng sâu hơn bể, trán cao hơn trời.”

Ngoài lối đối đáp quen thuộc nói trên, bài thơ “Việt Bắc” nói chung và đoạn thơ tám câu đầu còn sử dụng cặp đại từ xưng hô “mình” – “ta”, đây cũng là một dấu ấn rất đặc trưng của ca dao, dân ca:

“Mình về mình nhớ ta chăng!

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười

Năm quan mua lấy miệng cười

Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen…

Mình về ta chẳng cho về

Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ.”

Qua cách sử dụng cặp đại từ này mới thấy tác giả rất cố gắng thể hiện tình cảm gắn bó sâu đậm của quân và dân. Thế nên, buổi chia ly thấy sao quyến luyến, bịn rịn trông tựa như khoảnh khắc chia xa của đôi lứa yêu nhau mà tình cảm đã mặn mà, da diết.

Bên cạnh đó, khi phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc, ta nhận thấy nhà thơ cũng đã thể hiện ý thức trân trọng những quan niệm đạo lí tốt đẹp về cách sống thủy chung, son sắt của truyền thống dân tộc.

Trong ca dao có không ít những câu cho thấy tình cảm “thiết tha”, “mặn nồng”, trước sau như một giống như sự chân thành mà người chiến sĩ cách mạng và đồng bào dân tộc dành cho nhau trong thơ Tố Hữu:

“Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.”

“Trăng tròn chỉ có đêm rằm,

Tình ta tháng tháng năm năm vẫn tròn”

“Chừng nào cho sóng bỏ gành

Cù lao bỏ biển anh mới đành bỏ em.”

Nhận xét tác phẩm khi phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc

Phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc chỉ với tám câu thơ đầu, người đọc dễ dàng nhận ra Tố Hữu đã thể hiện tâm trạng day dứt, lưu luyến của người chiến sĩ cách mạng và người đồng bào dân tộc trong hoàn cảnh chia tay.

Nội dung ấy đã được chuyển tải thành công nhờ sự vận dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát, kết cấu đối đáp “mình”–“ta” quen thuộc và giọng điệu tâm tình ngọt ngào, tha thiết.

Thế nên dù đơn giản, bình dị trong hình thức thể hiện nhưng Tố Hữu đã có thể diễn tả được ân nghĩa sâu đậm của tình quân dân trong hoàn cảnh chia tay.

Kết bài: Tóm lại, những câu thơ đầu của “Việt Bắc” đã bước đầu thể hiện sự tài hoa của người nghệ sĩ và tình cảm cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng, đồng thời góp phần làm nổi bật chất trữ tình, chính trị trong phong cách thơ Tố Hữu.

Chính tâm tình tha thiết, chân thành của người đi – kẻ ở trong phút chia tay được diễn đạt hết sức mượt mà, linh hoạt đã cho thấy tài năng thơ ca của Tố Hữu.

Và, tâm trạng day dứt, quyến luyến là một biểu hiện cho thấy người cán bộ cách mạng luôn luôn có ý thức trân trọng những tình cảm tốt đẹp mà nhân dân dành cho mình, đó cũng chính là động lực để họ có thể chiến đấu hết mình vì dân tộc, đất nước.

Dàn ý phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc của tác giả Tố Hữu

Để nắm được nội dung bài viết, các bạn cần lưu ý đến dàn ý phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu như sau.

Mở bài phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc

  • Giới thiệu bài thơ Việt Bắc và đoạn 1 của bài thơ.
  • Đôi nét về nhà thơ Tố Hữu cùng phong cách sáng tác của ông.
  • Nêu vị trí, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm Việt Bắc,

Thân bài phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc

  • Nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ Việt Bắc và ý nghĩa của đoạn 1 trong bài thơ.
  • Cuộc chia tay đầy lưu luyến giữa kẻ ở và người đi.
    • Phân tích đoạn đầu bài thơ Việt Bắc qua lời của người ở lại.
    • Phân tích đoạn đầu bài thơ Việt Bắc qua lời của người ra đi.
  • Nêu những dấu ấn ca dao trong đoạn đầu bài thơ Việt Bắc.

Kết bài phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc

  • Tóm tắt giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cũng như ý nghĩa của đoạn đầu bài thơ Việt Bắc.
  • Khẳng định phong cách sáng tác nghệ thuật độc đáo của nhà thơ Tố Hữu.
  • Bày tỏ suy nghĩ của bản thân khi phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc.

Xem thêm:

Có thể thấy, Việt Bắc chính là cội nguồn của quê hương cách mạng. Và những câu thơ chính là tiếng lòng nhớ thương của nhân dân Việt Bắc với người chiến sĩ cách mạng và ngược lại. Nét đặc sắc của bài thơ chính là một khúc ca đằm thắm và yêu thương, ngọt ngào mà sâu lắng, thắm đượm vẻ đẹp trữ tình hòa quyện với chất triết lý cách mạng. Trên đây là những phân tích đoạn 1 bài thơ Việt Bắc, mong rằng đã mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích. Chúc bạn luôn học tốt!.

Bạn thấy bài viết này hữu ích chứ?

Hãy chọn vào ngôi sao để đánh giá bài viết

Đánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết

Hãy để lại bình luận

Xem nhiều

Bài tin liên quan

Mạng 5G là gì? Mạng 5G khi nào phủ sóng toàn quốc?

Mạng 5G là bước tiến vượt bậc trong công...

Mạng 4G là gì? Có nhanh không? 4G và LTE khác gì nhau?

Mạng 4G, ra đời vào năm 2010, là thế...

3G là gì? Tốc độ của mạng 3G là bao nhiêu? Khác gì với 2G và 4G

Mạng 3G, ra đời vào đầu những năm 2000,...

Mạng 2G là gì? Tại sao cắt mạng 2G? Khi nào cắt?

Mạng 2G, công nghệ di động phổ biến từ...