Thận là một bộ phận cực kỳ quan trọng, nó giúp lọc máu và các chất bẩn ra ngoài. Nếu thận không tốt, sức khỏe của bạn sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Để đề cao sự quan trọng của thận, ngày Thận Thế giới ra đời, nhằm nhắc nhở mọi người về ý thức bảo vệ bộ phận quan trọng này.
Nội dung bài viết
Ngày Thận thế giới là ngày gì?
Ngày Thận Thế giới có tên tiếng Anh là World Kidney Day (WKD) được bắt đầu từ năm 2005. Mục đích của chiến dịch là giúp cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ thận nói riêng và sức khỏe nói chung. Với mong muốn giảm số người mắc các vấn đề về thận trên toàn thế giới.
Chiến dịch sẽ được tổ chức vào ngày thứ năm thứ hai của tháng 3 hàng năm. Hiện nay hoạt động này đã được hơn 100 quốc gia hưởng ứng.
Nguyên nhân dẫn đến suy thận
Về cơ bản có hai nguyên nhân chính dẫn đến suy thận là do bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 và bệnh tăng huyết áp. Vì khi nồng độ đường hay huyết áp tăng cao sẽ gây nên các tổn thương mạch máu nhỏ, gây suy giảm chức năng thận và dẫn đến suy thận.
Mặt khác, suy thận còn đến từ nhiều nguyên nhân như:
- Bệnh nhân mắc các bệnh về viêm gan B, gan C, HIV/AIDS cùng nhiều nguyên nhân khác,… gây ảnh hưởng chức năng thận.
- Bệnh nhân mắc viêm thận mủ (nhiễm trùng đường tiểu) gây nên các vết sẹo dù đã lành vẫn có thể khiến thận tổn thương.
- Bệnh nhân mắc bệnh thận đa nang.
- Ảnh hưởng của dị tật đường tiểu gây tắc nghẽn đường tiết niệu.
- Do dùng nhiều các loại thuốc giảm đau, kháng viêm hay các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc thành phần.
Dấu hiệu của suy thận
Ai cũng cần nắm rõ những triệu chứng của suy thận để có thể chữa trị kịp thời. Thông thường, một số triệu chứng của suy thận dễ thấy như ít đi tiểu, sưng ở vùng mắt, chân, mắt cá chân và khó thở. Đồng thời, khi bị suy thận nước tiểu của người bệnh sẽ có bọt và đục do thận hoạt động kém.
Một vài triệu chứng khác có thể xảy ra khi bị suy thận như hay buồn nôn, tức ngực, sụt cân hay khó ngủ, cơ thể mệt mỏi và nặng hơn là co giật, hôn mê… Vì thế nếu cảm thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường cần đi đến bác sĩ để kiểm tra sớm nhất có thể.
Thói quen lành mạnh giúp phòng ngừa bệnh thận
Để có thể ngăn ngừa bệnh thận, bạn cần hình thành cho mình một lối sống lành mạnh và khoa học. Dưới đây là một số điều bạn cần làm:
- Uống đủ nước: Uống đủ nước từ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày sẽ rất tốt cho thận vì khi đó thận sẽ không bị gây áp lực, nó có đủ nước để điều tiết và thải đi các cặn bã ra ngoài.
- Vận động vừa sức: Người bị thận nên thường xuyên vận động vừa sức vì khi đó sẽ giúp huyết áp, lượng đường,… được ổn định, hạn chế các tổn thương đến thận.
- Duy trì cân nặng phù hợp: Khi béo phì sẽ dễ dẫn đến tình trạng sức khỏe kém gây nên một số bệnh như tiểu đường, huyết áp, mỡ trong máu,… từ đó gây áp lực lên thận.
- Kiểm soát đường huyết: Khi lượng đường tăng cao thận buộc phải làm việc nhiều hơn để lọc máu vì các tế bào không sử dụng hết đường trong máu, về lâu dài chức năng thận sẽ bị suy giảm.
- Theo dõi huyết áp: Huyết áp tăng cao sẽ làm hẹp lòng mạch và làm dày thành mạch từ đó quá trình lọc máu trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến thận.
- Hạn chế rượu bia và thuốc lá: Việc sử dụng các chất kích thích như rượu bia thuốc lá khiến thận phải làm việc quá công suất để có thể loại bỏ đi các độc tố, lâu dần gây hại cho thận.
- Lưu ý khi dùng thuốc không kê đơn: Các loại thuốc giảm đau, chống viêm không steroid gồm naproxen và ibuprofen nếu sử dụng lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến thận.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Cách tốt nhất để bảo theo dõi sức khỏe là kiểm tra định kỳ, điều đó giúp bạn phòng ngừa và có thể phát hiện sớm các bệnh để có phương án điều trị tốt nhất.
Xem thêm:
- Ngày Công Lý xã hội thế giới 20/2
- Valentine là ngày gì? Ý nghĩa ngày Valentine đỏ, trắng, đen
Hãy duy trì một lối sống thật lành mạnh để bảo vệ sức khỏe thận. Đó là một cách tốt nhất để bạn hưởng ứng ngày Thận Thế giới. Và cũng đừng quên nhắc nhở người thân của mình về lối sống bảo vệ thận nữa nhé!