Ngành dịch vụ là ngành hiện đang khá phát triển tại Việt Nam, trong đó hàng hóa là những sản phẩm vô hình. Cùng DINHNGHIA tìm hiểu rõ hơn ngành dịch vụ là gì, đặc điểm và phân loại ngành dịch vụ trong bài viết này nhé!
Nội dung bài viết
Ngành dịch vụ là gì?
Khái niệm dịch vụ được định nghĩa là các sản phẩm vô hình, hay các hoạt động, trải nghiệm được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Một số ví dụ của dịch vụ có thể kể đến là dịch vụ tài chính (bảo hiểm, ngân hàng), dịch vụ y tế, dịch vụ du lịch, giải trí, giáo dục cùng nhiều lĩnh vực khác.
Ngành dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Ngành này bao gồm mọi hoạt động dịch vụ trực tiếp và gián tiếp mà các tổ chức hoặc cá nhân cung cấp cho khách hàng. Cơ cấu ngành dịch vụ ở Việt Nam hiện được chia thành các nhóm như dịch vụ công, dịch vụ sản xuất và dịch vụ tiêu dùng.
Đặc điểm của ngành dịch vụ
Tính vô hình
Một trong những đặc điểm dễ nhận biết nhất của ngành dịch vụ chính là tính vô hình. Các sản phẩm của ngành này thường không có hình thái cụ thể nên khách hàng không thể nghe, nhìn, hay ngửi thấy trước khi mua. Chẳng hạn như dịch vụ du lịch, thẩm mỹ,…
Xem thêm: Sản phẩm du lịch là gì? Những yếu tố hình thành và phân loại của sản phẩm du lịch
Tính không tách rời
Bên cạnh tính vô hình, tính không thể tách rời cũng là đặc điểm riêng của ngành dịch vụ. Điều này có nghĩa là sản phẩm dịch vụ không thể tự tác động, ảnh hưởng lên khách hàng. Thay vào đó, chúng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào người cung ứng dịch vụ.
Tính không lưu trữ
Khác với những sản phẩm hữu hình, sản phẩm dịch vụ không thể lưu trữ để sử dụng sau. Ví dụ, bạn đi du lịch và đã đặt phòng khách sạn trong 3 ngày. Tuy nhiên, bạn phải về sớm hơn 1 ngày vì có việc đột xuất, thì bạn không thể lưu trữ ngày đó lại để dùng cho lần sau.
Tính đa dạng, không ổn định
Các loại hình và hoạt động của ngành dịch vụ luôn được phát triển và cập nhật đa dạng để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ không có tính ổn định và phụ thuộc nhiều vào đặc điểm, tình trạng, kỹ năng,… của người cung ứng, cũng như thời gian và địa điểm cung ứng.
Sự tham gia của người dùng
Đối với lĩnh vực dịch vụ, khách hàng tham gia vào mọi khía cạnh của quá trình sản xuất kể cả khi không hiện diện trực tiếp tại điểm cung cấp dịch vụ. Dịch vụ không chỉ đơn giản là sản phẩm của nhà cung cấp mà còn không thể tách rời khỏi người sử dụng.
Phân loại, cơ cấu ngành dịch vụ
Cơ cấu ngành dịch vụ được tạo ra bằng việc xác lập danh mục góp vốn đầu tư, đồng thời được phân chia bằng cách phân nhỏ hoặc gộp lại dựa trên những loại dịch vụ. Theo đó, cơ cấu ngành dịch vụ tại Việt Nam hiện như sau:
- Dịch vụ kinh doanh thương mại: Dịch vụ kinh tế – tài chính, tín dụng thanh toán, dịch vụ giao thông vận tải, thông tin liên lạc, bất động sản, tư vấn, dịch vụ tuyển dụng,…
- Dịch vụ tiêu dùng: Dịch vụ sửa chữa, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ nghỉ dưỡng, thể dục thể thao,…
- Dịch vụ công: Quản lý nhà nước, dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,…
12 nhóm ngành dịch vụ hiện nay
Ngày 17/05/2011, Quyết định số 28/2011/QĐ-TTg đã được ban hành bởi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục dịch vụ xuất, nhập khẩu Việt Nam. Trong đó gồm 12 nhóm ngành dịch vụ, mỗi ngành được mã hóa bằng 04 chữ số như sau:
- Dịch vụ vận tải: Mã 2050
- Dịch vụ du lịch: Mã 2360
- Dịch vụ xây dựng: Mã 2490
- Dịch vụ bưu chính và viễn thông: Mã 2450
- Dịch vụ tài chính: Mã 2600
- Dịch vụ bảo hiểm: Mã 2530
- Dịch vụ kinh doanh khác: Mã 2680
- Dịch vụ máy tính và thông tin: Mã 2620
- Phí mua, bán quyền sử dụng giấy phép, thương hiệu, bản quyền: Mã 2660
- Dịch vụ cá nhân, văn hóa và giải trí: Mã 2870
- Dịch vụ logistics: Mã 9000
- Dịch vụ Chính phủ, chưa được phân loại ở nơi khác: Mã 2910
Vai trò của ngành dịch vụ
Ngành dịch vụ đóng vai trò quan trọng vì nó góp mặt ở hầu hết các mặt như sản xuất, kinh tế và xã hội:
- Đối với nền kinh tế: Ngành dịch vụ góp phần thúc đẩy tốc độ lưu chuyển hàng hóa, tiền tệ và đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nước nhà. Ngành dịch vụ đã hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa.
- Đối với sản xuất: Các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cung cấp vật tư, nguyên liệu cho việc sản xuất, đồng thời giúp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Dịch vụ được xem là cầu nối giữa các ngành sản xuất, các khu vực trong nước và giữa nước ta với nước ngoài.
- Đối với đời sống xã hội: Ngành dịch vụ phát triển tạo ra nhiều việc làm với đa dạng nhóm ngành nghề. Từ đó giúp tăng thu nhập cá nhân và phát triển nền kinh tế nước nhà. Dịch vụ cũng đáp ứng các nhu cầu như mua sắm, du lịch, đi lại, tiêu dùng của mọi người.
Các kỹ năng cần có đối với người làm ngành dịch vụ
Tính kiên nhẫn
Tính kiên nhẫn là đức tính cần có trong mọi công việc, đặc biệt là ngành dịch vụ. Trong trường hợp khách hàng có thắc mắc về một vấn đề và cần sự hướng dẫn chi tiết, bạn cần có sự kiên nhẫn để giải đáp và hỗ trợ phù hợp. Đây là yếu tố then chốt để nâng cao trải nghiệm khách hàng khi sử dụng dịch vụ.
Nếu đã làm trong ngành dịch vụ, bạn cần dành thời gian để học cách lắng nghe, thấu hiểu từng vấn đề của khách hàng. Từ đó đưa ra hướng giải quyết cụ thể và thỏa đáng. Có như vậy thì bạn mới có thể xây dựng, phát triển những mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng và giữ chân họ lâu dài.
Ham học hỏi
Tính ham học hỏi sẽ giúp bạn nhanh chóng thích nghi với nghề, cũng như nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân. Đặc biệt với ngành dịch vụ, nếu bạn có tinh thần sẵn sàng học hỏi mọi lúc mọi nơi thì bạn rất nhanh phát triển kỹ năng chuyên môn.
Bạn có thể bắt đầu học hỏi mọi thứ từ việc quan sát cách làm của đồng nghiệp, quản lý hay từ chính khách hàng. Việc tự học giúp bạn khám phá ra nhiều điều hay, những kiến thức mới mẻ, chuyên sâu, giúp ích cho con đường sự nghiệp mà bạn theo đuổi.
Sự niềm nở và tận tâm
Sự quan tâm, niềm nở khi gặp khách hàng là chìa khóa để doanh nghiệp phát triển công việc kinh doanh. Ví dụ, nếu bạn đi tới 2 cửa hàng quần áo, một bên thì nhân viên niềm nở, vui vẻ hỗ trợ bạn chọn đồ, tư vấn mẫu mã phù hợp; bên còn lại thì ngó lơ và chẳng muốn tư vấn khách hàng, chắc hẳn bạn sẽ không muốn quay lại cửa hàng thứ hai.
Có thể thấy, thái độ của nhân viên là yếu tố quan trọng trong ngành dịch vụ. Chưa cần biết sản phẩm, hàng hóa có đa dạng, mẫu mã có đẹp hay không, sự quan tâm, niềm nở của nhân viên sẽ ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
Do đó, nếu làm ngành dịch vụ thì bạn hãy để ý đến phản ứng của khách hàng, dù là biểu hiện nhỏ nhất. Đồng thời, bạn hãy giúp đỡ, phục vụ khách hàng với một phong thái vui vẻ, niềm nở và tận tâm nhất nhé!
Kỹ năng thuyết phục
Trong ngành dịch vụ, bạn cần trang bị cho mình một kỹ năng đàm phán, thuyết phục tốt để tự tin giao tiếp với cấp trên, khách hàng, đối tác. Điều này sẽ giúp bạn luôn tự tin, tỏa sáng và mở ra nhiều cơ hội tiềm năng để phát triển.
XEM THÊM:
- Video editor là gì? Công việc của video editor và kỹ năng cần có
- Admin là gì? Những vị trí công việc admin phổ biến hiện nay
- Phiên dịch viên là gì? Cơ hội việc làm? Mức lương bao nhiêu?
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có những thông tin hữu ích và hiểu rõ hơn ngành dịch vụ là gì, cũng như đặc điểm và phân loại ngành dịch vụ. Hãy theo dõi DINHNGHIA để biết thêm nhiều thông tin hữu ích nhé! Hẹn gặp lại bạn ở các bài viết tiếp theo!