Burn out là hiện tượng mà nhiều bạn trẻ hiện nay gặp phải khi học tập, làm việc với tình trạng “quá tải”. Trong bài viết này, hãy cùng DINHNGHIA tìm hiểu rõ hơn burn out là gì, những dấu hiệu và cách cải thiện hội chứng này nhé!
Nội dung bài viết
Burn out là gì?
Khái niệm “burn out” được đưa ra lần đầu tiên vào những năm 1970 bởi nhà tâm lý học Herbert Freudenberger. Khái niệm này giải thích cho việc chúng ta thường phải đánh đổi, đưa ra những cái giá đắt nếu muốn đạt những thành tựu to lớn.
Tuy nhiên, đến năm 1999, nhà tâm lý học người Mỹ lại tái định nghĩa cụm từ “burn out”: Tình trạng một người buông bỏ, không còn động lực để cố gắng, nhất là khi những cố gắng mà họ làm trong quá khứ lại không đem đến kết quả như kỳ vọng.
Ở một nghiên cứu khác vào năm 2011 và định nghĩa từ WHO, “burn out” là một vấn đề về sức khỏe tinh thần của con người, có thể dẫn đến các bệnh lý về thể chất. Đây là trạng thái một người bị căng thẳng cực độ và áp lực trong thời gian dài khi làm việc.
Trạng thái burn out xuất hiện khi một người cảm thấy bị kiệt quệ năng lượng về thể chất và tinh thần, phải chịu áp lực quá nhiều khi không thể đáp ứng được kỳ vọng của cấp trên. Nếu tình trạng này kéo dài, người đó sẽ mất hết ngọn lửa nhiệt huyết trong công việc và dần dần không còn động lực để tiếp tục công việc nữa.
Dấu hiệu của hội chứng burn out
Khi bị burn out, trạng thái này sẽ thể hiện qua các phương diện là thể chất, cảm xúc, hành vi. Các dấu hiệu cụ thể như sau:
Về thể chất:
- Cơ thể mệt mỏi rã rời, cảm giác cạn kiệt sức lực khi làm việc.
- Thường xuyên bị đau đầu và đau cơ.
- Thay đổi thói quen ăn uống: Lười ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường.
- Thiếu ngủ, mất ngủ, chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo.
- Sức khỏe dần suy kiệt vì sức đề kháng yếu, hay ốm vặt.
Về cảm xúc:
- Luôn tự nghi ngờ về năng lực bản thân, có cảm giác thất bại, thua cuộc so với những người khác.
- Cảm giác cô đơn, không thể chia sẻ cùng ai vì nghĩ không ai hiểu mình. Thậm chí còn có suy nghĩ tiêu cực là mọi người đều đang chống lại mình.
- Không có động lực để làm việc.
Về hành vi:
- Trốn tránh công việc, mất đi trách nhiệm, hay đi trễ nhưng về sớm.
- Xuất hiện hành vi trì hoãn, cần tốn nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc.
- Để đối phó với áp lực công việc, nhiều người tìm đến chất kích thích hoặc ăn nhiều thức ăn nhanh.
- Không mở lòng vì không muốn tiếp xúc với mọi người, tự thu hẹp bản thân.
- Hay cáu gắt và trút bực lên người khác.
Phân biệt burn out và stress
Nhiều người bị nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này. Mặc dù stress gây ra sự căng thẳng tinh thần và kiệt sức và thể chất nhưng nếu người bị vẫn kiểm soát được, tìm ra hướng giải quyết thì sẽ nhanh chóng vượt qua stress.
Trong khi đó, burn out có mức độ năng hơn vì người mắc hội chứng luôn cảm thấy tinh thần kiệt quệ, trống rỗng, không còn quan tâm hay có động lực để làm việc. Những người bị burn out sẽ thấy ngợp trong trách nhiệm và muốn chối bỏ chúng.
Điểm khác biệt dễ thấy giữa stress và burn out chính là: Người bị stress tự ý thức được mình đang trong trạng thái căng thẳng, mặt khác người bị burn out lại không hề hay biết hội chứng này đang xảy ra với mình.
Nên làm gì khi bị burn out?
Tìm kiếm công việc yêu thích hoặc đón nhận công việc một cách tích cực hơn
Nếu bạn đang bị burn out bởi công việc hiện tại, bạn nên tìm một công việc khác mà bạn yêu thích. Bên cạnh đó, nếu bạn đang cảm thấy chán ghét công việc, bạn hãy tìm đến thú vui bản thân, hoặc đón nhận công việc một cách tích cực bằng việc tìm kiếm ý nghĩa, sự hài lòng của người khác cho công việc để cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.
Xây dựng mối quan hệ tích cực nơi công sở
Đây là điều cần thiết để bạn đỡ áp lực về công việc hơn, cũng như phần nào hỗ trợ bạn chống lại những triệu chứng của burn out. Những cuộc hội thoại, đùa giỡn nơi làm việc có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳng. Ngoài ra, đồng nghiệp có thể hỗ trợ bạn để cải thiện hiệu suất công việc, tránh bị “quá tải” dẫn đến burn out.
Dành thời gian để bản thân được nghỉ ngơi, thư giãn
Đây là cách tốt nhất để cơ thể, tâm trí hồi phục sau những sự mệt mỏi, kiệt sức vì công việc. Nếu bạn cảm thấy bị burn out, hãy xin nghỉ phép một vài hôm bằng cách dùng phép năm. Sau đó, bạn nên nghỉ ngơi, thư giãn bằng cách đi du lịch, tập luyện yoga hoặc thiền để cơ thể kích hoạt phản ứng thư giãn.
Sắp xếp lại công việc
Sắp xếp lại công việc nhằm mục đích quản lý thời gian: Ưu tiên các đầu công việc quan trọng, ước lượng thời gian cho mỗi công việc. Việc này có thể giúp bạn tránh bị dồn task, quá tải, dẫn đến burn out. Bạn có thể tham khảo một vài công cụ hỗ trợ quản lý thời gian Google Calendar, To-do List, ma trận Eisenhower, Bullet Journal hoặc Trello.
Yêu cầu sự giúp đỡ khi công việc bị quá tải
Ôm quá nhiều công việc có thể khiến bạn dễ nản, kiệt sức. Do đó, ngay từ ban đầu, bạn nên đặt ra giới hạn thông qua các yếu tố: Tổng thời gian làm việc hằng ngày, tình huống nào bạn phải làm thêm giờ và mối quan hệ với đồng nghiệp (ví dụ bạn sẽ đưa số điện thoại phòng trường hợp liên lạc khẩn cấp cho ai).
Ngoài ra, bạn nên học cách từ chối để cân bằng được công việc. Nếu có ai nhờ bạn làm thêm công việc mới, bạn hãy suy xét kỹ khả năng và thời gian có thể hoàn thành, sau đó mới đồng ý. Nếu cảm thấy không đảm nhận được, bạn hãy mạnh dạn nói ra, đồng thời kèm lý do.
Ăn uống điều độ kết hợp luyện tập thể thao
Để cải thiện sức khỏe tinh thần thì cũng cần nâng cao sức khỏe thể chất. Vì nếu bạn sở hữu một cơ thể khỏe mạnh, nhiều năng lượng sẽ giúp thúc đẩy một bộ não minh mẫn, từ đó nâng cao hiệu suất công việc. Bạn có thể thử các môn thể thao như thiền, yoga, chạy bộ để tăng cường sức trẻ và sự dẻo dai.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tạo một thói quen ăn uống lành mạnh bằng việc bổ sung những dưỡng chất cần thiết như chất xơ, chất đạm, chất béo tốt, các loại vitamin và khoáng chất.
Các giai đoạn của hội chứng burn out
Hai nhà tâm lý học Gail North và Herbert Freudenberger đã chia hội chứng burn out thành 12 giai đoạn như sau:
- Tham vọng nhiều hơn trước: Đây là dấu hiệu đầu tiên, cho thấy bản thân có tham vọng đạt được nhiều thành tựu hơn trong công việc.
- Làm việc nhiều hơn: Do tham vọng đạt được nhiều thứ hơn nên người ta phải dồn nhiều công sức, làm việc nhiều hơn.
- Bắt đầu thờ ơ với bản thân: Vì tận lực vào công việc mà họ bắt đầu buông thả bản thân, không quan tâm, chăm sóc hay đáp ứng các nhu cầu của bản thân.
- Xuất hiện những mâu thuẫn trong tâm trí: Các mâu thuẫn này sẽ khiến họ có cảm giác sợ hãi, lo lắng, bồn chồn không rõ nguyên nhân.
- Bỏ quên những giá trị khác trong cuộc sống: Vì họ tập trung 100% vào công việc nên phớt lờ những mối quan hệ khác như như gia đình, bạn bè và người thân.
- Đổ lỗi những vấn đề của bản thân, hoặc lỗi sai cho người khác: Vì sự kiệt sức, quá tải công việc nên khi không được như ý muốn, họ thường đổ lỗi cho các yếu tố khác hoặc người khác.
- Không muốn tiếp xúc với mọi người: Người bị burn out ở giai đoạn này thường hạn chế tiếp xúc, thậm chí tự cách ly bản thân với các mối quan hệ xã hội bên ngoài.
- Thay đổi tính cách, cách cư xử: Đây là lúc mọi người xung quanh thấy được sự thay đổi rõ ràng của một người burn out.
- Không còn cảm nhận được những giá trị của bản thân và những người xung quanh: Người bị burn out đôi khi cảm thấy cuộc sống này thật vô nghĩa.
- Cảm thấy trống rỗng: Những người bị burn out bắt đầu thấy mệt mỏi, tự cho rằng bản thân vô dụng. Họ bắt đầu tìm đến những việc giải tỏa như ăn uống nhiều hơn, thậm chí dùng chất kích thích.
- Cảm giác buồn phiền, thất vọng và kiệt sức: Đây là giai đoạn nghiêm trọng vì lúc này, những người bị burn out đã cảm thấy tuyệt vọng, không tin vào bản thân.
- Giai đoạn cuối cùng là burn out: Ở giai đoạn này, người mắc hội chứng đã gặp một số vấn đề tâm lý nghiêm trọng, bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu xấu về sức khỏe.
Xem thêm:
- Slogan là gì? Cách tạo slogan? TOP slogan chất, hay, độc đáo nhất
- Deal là gì? Một số ý nghĩa phổ biến của từ deal trong các lĩnh vực
- Typo là gì? Các quy tắc, cách trình bày và lỗi typo thường gặp
Trên đây là bài viết đã cung cấp những thông tin để giải đáp burn out là gì, cũng như những dấu hiệu và cách cải thiện hội chứng này. Hãy theo dõi thêm nhiều bài viết từ DINHNGHIA để biết thêm nhiều thông tin hữu ích nhé!