Làm việc trong các ngành liên quan đến pháp luật tuy có nhiều thách thức, song cũng được nhiều bạn trẻ chọn lựa. Trong bài viết này, hãy cùng DINHNGHIA tìm hiểu nghề kiểm sát viên là gì, cũng như những tiêu chuẩn và lộ trình để trở thành kiểm sát viên nhé!
Nội dung bài viết
Kiểm sát viên là gì?
Kiểm sát viên là người làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân, thực hành quyền công tố cũng như kiểm sát quyền tư pháp đã được bổ nhiệm theo luật pháp hiện hành. Nhiệm vụ của kiểm sát viên là buộc tội các bị cáo vi phạm luật hình sự được xét xử trong các phiên tòa.
Kiểm sát viên sẽ thực hiện các công việc như: Triệu tập và lấy lời khai nhân chứng, người báo tin, người tố giác, người bị tố giác, người bị hại, các đương sự, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; trong trường hợp khẩn cấp còn lấy lời khai của người bị bắt giữ.
Vai trò chính của một kiểm sát viên là bảo vệ pháp chế (chế độ và trật tự pháp luật). Bên cạnh đó, họ cũng phải cố gắng để làm giảm thiểu tối đa những sai phạm trong suốt quá trình xét xử, đặc biệt là làm rõ các bản án oan sai.
Tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên
Theo Điều 75 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, tiêu chuẩn chung để trở thành một kiểm sát viên được quy định cụ thể như sau:
- Phải là công dân nước Việt Nam có thái độ trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Họ phải sở hữu phẩm chất đạo đức tốt, là người trung trực, liêm khiết, vững vàng trong bản lĩnh chính trị cũng như có tinh thần kiên quyết để bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
- Trình độ Cử nhân ngành Luật trở lên.
- Đã thông qua đào tạo nghiệp vụ kiểm sát.
- Có khả năng và thời gian thực hiện công tác thực tiễn theo quy định Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
- Sức khỏe tốt để hoàn thành nhiệm vụ đã được giao.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của kiểm sát viên
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của một kiểm sát viên đã được quy định tại Điều 83 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 như sau:
- Kiểm sát viên phải tuân theo pháp luật, làm theo chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện quyền công tố hay kiểm sát hoạt động tư pháp.
- Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp hay thực hiện các hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm về quyết định, hành vi của bản thân trước pháp luật.
- Các nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm sát viên khi kiểm sát hoạt động tư pháp hay thực hiện quyền công tố đều do luật định.
- Nếu một vụ việc có sự tham gia bởi nhiều kiểm sát viên khác nhau cùng giải quyết, kiểm sát viên ở ngạch thấp phải làm theo sự chỉ đạo, phân công của kiểm sát viên ở ngạch cao hơn.
- Trong lúc thực hiện nhiệm vụ, quyền ra quyết định, yêu cầu, kết luận hay kiến nghị đều có thể được thực hiện bởi kiểm sát viên nhưng cần tuân theo quy định của pháp luật.
Các ngạch kiểm sát viên
Các ngạch kiểm sát viên ở Viện kiểm sát nhân dân được chia theo khoản 1 Điều 76 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 như sau:
- Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Kiểm sát viên cao cấp.
- Kiểm sát viên trung cấp.
- Kiểm sát viên sơ cấp.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 76 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, ở mỗi cấp Viện kiểm sát thì các ngạch của kiểm sát viên được quy định như sau:
- Bố trí 4 ngạch kiểm sát viên ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Tại Viện kiểm sát quân sự trung ương sẽ bao gồm viện trưởng (kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao), đồng thời bố trí thêm ngạch kiểm sát viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp.
- Đối với các Viện kiểm sát khác, mỗi đơn vị có thể được bố trí các ngạch kiểm sát viên cao cấp, trung cấp và sơ cấp.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên
Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên sơ cấp
Khi một người đạt đủ tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên, họ phải đáp ứng tiếp các điều kiện sau đây để được bổ nhiệm trở thành kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân. Ngoài ra, nếu một người là sĩ quan quân đội tại ngũ thì họ có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự:
- Đã công tác pháp luật từ 4 năm trở lên.
- Sở hữu khả năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp
- Vượt qua kỳ thi vào ngạch kiểm sát viên sơ cấp.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên trung cấp
Đối với ngạch này, một người có thể được bổ nhiệm trở thành kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát nhân dân nếu đạt đủ điều kiện tiêu chuẩn chung và các điều kiện dưới đây. Ngoài ra, nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ, họ sẽ được bổ nhiệm làm kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát quân sự:
- Có kinh nghiệm làm kiểm sát viên sơ cấp tối thiểu 5 năm.
- Sở hữu năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
- Khả năng hướng dẫn nghiệp vụ cho các kiểm sát viên sơ cấp về thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
- Đậu kỳ thi vào ngạch kiểm sát viên trung cấp.
Ngoài ra, còn có trường hợp người đã thực hiện công tác pháp luật từ 10 năm trở lên có thể được bổ nhiệm làm kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát nhân dân, nếu do nhu cầu nhân lực của Viện. Họ phải đạt tiêu chuẩn chung và các điều kiện tương tự dành cho kiểm sát viên sơ cấp xét duyệt lên trung cấp, ngoại trừ điều kiện “Có kinh nghiệm làm kiểm sát viên sơ cấp tối thiểu 5 năm”.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên cao cấp
Ở ngạch này, những người có thể được bổ nhiệm làm kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát nhân dân nếu đạt đủ tiêu chuẩn chung và các điều kiện dưới đây. Với những ai là sĩ quan quân đội tại ngũ thì vẫn có thể trở thành kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát quân sự:
- Có kinh nghiệm làm kiểm sát viên trung cấp ít nhất 5 năm.
- Sở hữu năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
- Có thể hướng dẫn cho các kiểm sát viên cấp dưới (sơ cấp và trung cấp) những nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
- Vượt qua kỳ thi vào ngạch Kiểm sát viên cao cấp.
Ngoài ra còn có trường hợp người đã thực hiện công tác pháp luật từ 15 năm trở lên có thể được bổ nhiệm làm kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát nhân dân nếu do nhu cầu nhân lực của Viện. Họ phải đạt tiêu chuẩn chung và các điều kiện tương tự dành cho kiểm sát viên trung cấp xét duyệt lên cao cấp, ngoại trừ điều kiện “Có kinh nghiệm làm kiểm sát viên trung cấp tối thiểu 5 năm”.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Để trở thành một kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, người đó phải đạt đủ tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên và các điều kiện sau:
- Hoạt động dưới chức vụ kiểm sát viên cao cấp ít nhất 5 năm.
- Sở hữu khả năng điều hành, chỉ đạo các công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Năng lực phân tích, giải quyết các vấn đề quan trọng thuộc quyền xem xét, đưa ra quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Bên cạnh đó, trường hợp người đã thực hiện công tác pháp luật từ 20 năm trở lên có thể được bổ nhiệm làm kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu do nhu cầu nhân lực của Viện.
Họ phải đạt tiêu chuẩn chung và các điều kiện tương tự dành cho kiểm sát viên cao cấp xét duyệt lên kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngoại trừ điều kiện “Có kinh nghiệm làm kiểm sát viên cao cấp tối thiểu 5 năm”.
Lộ trình để trở thành kiểm sát viên
Nhiều bạn trẻ khi tìm hiểu về các ngành nghề liên quan đến pháp luật như kiểm sát viên thì đều có thắc mắc là kiểm sát viên học ngành gì, lộ trình như thế nào. Thì sau đây sẽ là lộ trình trở thành kiểm sát viên:
- Bước 1: Đậu vào ngành Luật của các trường đại học chuyên đào tạo.
- Bước 2: Học tập tốt để tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Luật.
- Bước 3: Tiếp tục ôn thi kỳ thi công chức ngành kiểm sát viên hoặc xét tuyển.
- Bước 4: Học các nghiệp vụ liên quan đến kiểm sát viên.
- Bước 5: Vượt qua kỳ thi, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn chung và điều kiện trở thành kiểm sát viên theo quy định của pháp luật.
Xem thêm:
- Freelancer là gì? Tổng hợp các nghề freelancer phổ biến tại Việt Nam
- Ngành quản trị kinh doanh là gì? Học gì? Điểm nổi bật và hạn chế?
- Ngành truyền thông đa phương tiện là gì? Cơ hội việc làm?
Mong rằng bài viết vừa rồi đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích và giúp các bạn hiểu rõ hơn về nghề kiểm sát viên này. Để biết được thêm nhiều thông tin hay và thú vị liên quan đến các ngành nghề khác thì hãy thường xuyên theo dõi DINHNGHIA nhé!