Bài thơ “Khi con tu hú” của tác giả Tố Hữu là một bài thơ vô cùng nổi tiếng, thể hiện được tâm trạng của một người cộng sản trẻ tuổi, đang yêu đời nhưng lại bị giam cầm trong bốn bức tường vôi lạnh. Để hiểu hơn về bài thơ này, hãy cùng DINHNGHIA.com.vn phân tích bài thơ “Khi con tu hú” qua bài viết dưới đây nhé!
Nội dung bài viết
Tìm hiểu bài thơ Khi con tu hú
Hoàn cảnh sáng tác
Trong quá trình hoạt động cách mạng và bị địch bắt giam vào lao tại Thừa Phủ – Huế vào tháng 7 năm 1939, nhà thơ Tố Hữu đã cho ra đời bài thơ “Khi con tu hú”. Vậy nên, có thể thấy bài thơ đã phản ánh đúng tâm trạng ngột ngạt của một người cộng sản trẻ tuổi, đang ở cái tuổi sôi nổi yêu đời nhưng lại giam cầm trong bốn bức tường vôi lạnh lẽo.
Những sự ngột ngạt ấy dần được đẩy lên cao trào khi nhà thơ muốn hướng tâm hồn của mình đến với sự tự do bên ngoài. Một hình ảnh vô cùng đặc biệt mà Tố Hữu đã đem vào bài thơ, chính là giữa bầu trời tự do xuất hiện hình ảnh bầy tu hú cùng tiếng ngân vang gọi bầy.
Những tiếng kêu da diết đó của bầy tu hú thể hiện cho sự ngột ngạt, u uất. Đồng thời cho người đọc cảm nhận được sự dồn nén và nỗi khát khao được tự do cháy bỏng của tác giả Tố Hữu.
Tác giả
Tác giả Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, quê gốc ngụ tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tố Hữu được xem là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, bên cạnh đó ông còn là một chính khách và cán bộ cách mạng lão thành.
Suốt sự nghiệp của mình, ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam. Cụ thể là các chức vụ như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,…
Sự nghiệp thơ văn của Tố Hữu như gắn liền với sự nghiệp Cách mạng Việt Nam. Ông được vinh danh là nhà thơ của Cách mạng với rất nhiều sáng tác bài thơ để cổ vũ tinh thần cho chiến sĩ và nhân dân.
Ý nghĩa nhan đề
Ngay từ nhan đề, Tố Hữu đã tạo được sự ấn tượng mạnh mẽ với người đọc khi dùng một cụm từ chưa hoàn chỉnh để đặt tên cho bài thơ của mình. Bởi lẽ cụm từ “Khi con tu hú” chỉ là một mệnh đề phụ, nhưng khi đọc vào vẫn giúp người đọc dễ dàng hình dung ra được hình ảnh những đàn tu hú cùng âm thanh đặc trưng của loài chim này.
Cách diễn đạt chưa trọn ý này đã mở ra rất nhiều sự liên tưởng dành cho tựa đề của bài thơ. Qua tựa đề bài thơ, người đọc không còn thấy bóng dáng cô đơn, nặng nề của Tố Hữu nữa, mà thay vào đó là tiếng lòng đang rộn ràng, đang ngân vang của ông như đón nhận tiếng chim tu hú từ xa rộn về.
Nhờ vào hình ảnh ấn tượng này, người đọc cũng dễ dàng nhận thấy được khát khao về sự tự do trong lòng người chiến sĩ trở nên cháy bỏng hơn bao giờ hết.
Giá trị nội dung và nghệ thuật
Khi phân tích bài thơ “Khi con tu hú” sẽ thấy về yếu tố nghệ thuật, bài thơ là một ví dụ tiêu biểu về sở trường thơ lục bát của Tố Hữu. Đây là thể thơ truyền thống rất hiệu quả trong việc thể hiện, bày tỏ những cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ và tạo nên sức truyền cảm mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, nhà thơ còn khéo léo tạo nên không gian đối lập với hình ảnh một bên là sự tươi đẹp, còn một bên lại thể hiện sự ngột ngạt, uất ức. Nhưng cả hai không gian luôn nằm trong một chỉnh thể thống nhất để khi xây dựng kết cấu đầu cuối tương ứng thông qua việc đề cập âm thanh tiếng chim tu hú.
Về nội dung khi phân tích bài thơ “Khi con tu hú”, ta cũng nhận ra Tố Hữu đã thành công khi viết nên một bài thơ nói lên tình yêu cuộc sống sâu sắc và niềm khao khát tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi trong hoàn cảnh ngục tù.
Dàn ý phân tích bài thơ Khi con tu hú
Mở bài
- Giới thiệu những nét chính về nhà thơ Tố Hữu cũng như tác phẩm “Khi con tu hú”.
- Tóm tắt giá trị nội dung cũng như tư tưởng của bài thơ “Khi con tu hú”: Thể hiện tình yêu, khao khát với thiên nhiên và cuộc sống cũng như mong cầu tự do mãnh liệt của người tù cách mạng.
Thân bài
- Phân tích hình ảnh âm thanh: Âm thanh của tiếng chim tu hú vang vọng ở không gian tự do; Tiếng ve ngân; Tiếng diều sáo.
- Màu sắc và khung cảnh: Màu của lúa, nắng, bầu trời, gam màu tươi sáng, thiên nhiên mở ra với tiếng chim tu hú gọi bầy.
- Tâm trạng con người trong phân tích bài thơ “Khi con tu hú”, phân tích điểm tương phản hay tương đồng để làm sáng lên hình ảnh của người tù cách mạng đang bí bách giữa khung cảnh quá đỗi tự do.
Kết bài
- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
- Thể hiện suy nghĩ của bản thân khi cảm nhận và phân tích bài thơ “Khi con tu hú”.
Một số bài văn phân tích bài thơ Khi con tu hú
Bài 1
Chọn dấn thân vào con đường cách mạng cũng đồng nghĩa với việc người chiến sĩ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Đó không chỉ là chặng đường hành quân vất vả, những thiếu thốn về vật chất, những nỗi nhớ thiết tha khi trông ngóng về quê nhà, người thân mà đó còn là những tháng ngày bị bắt bớ, giam cầm trong chốn ngục tù mất đi sự tự do.
Phân tích bài thơ “Khi con tu hú” của Tố Hữu để cảm nhận về hoàn cảnh ngột ngạt bị giam cầm đó của người tù cộng sản. Thế nhưng, có một sự thật là dù trong hoàn cảnh ngục tù ấy, tình yêu cuộc sống và niềm khao khát tự do vẫn không thôi cháy bỏng trong lòng người chiến sĩ cách mạng. Tác phẩm được chia thành hai phần rõ rệt với sáu câu thơ đầu dùng để lột tả khung cảnh thiên nhiên đất trời vào hè:
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…”
Qua những dòng thơ của Tố Hữu, có thể thấy cảnh mùa hè được miêu tả rất sinh động khi có sự hòa phối của cả âm thanh, màu sắc và những hương vị đặc trưng.
Đó là thanh âm rộn rã của tiếng “tu hú gọi bầy”, là sự râm ran của “tiếng ve ngân” và còn là tiếng sáo diều vi vu trên bầu trời cao rộng, những âm thanh đó khi kết hợp cùng nhau không khác gì một bản nhạc chào hè sôi nổi.
Ta có thể bắt gặp trong những thanh âm rộn ràng ấy là những màu sắc rực rỡ của ngày hè, là những sắc vàng của những hạt bắp chín thơm hay những sắc hồng đào của các tia nắng trên sân.
Khi phân tích bài thơ “Khi con tu hú”, người đọc nhận thấy không chỉ có sắc màu và âm thanh. Như để người đọc cảm được trọn vẹn cảnh thiên nhiên đất trời đang vào hè, Tố Hữu còn mang vào thơ mùi hương nồng thơm của “lúa chiêm đang chín” và vị “ngọt dần” của hoa trái mùa hạ,…
Tất cả những âm thanh, sắc màu và hương vị ấy đã tạo nên sự sôi động và tràn đầy sức sống của bức tranh cảnh vật mùa hè.
Dưới sự cảm nhận tinh tế và những hình ảnh phong phú, nhà thơ đã dùng tiếng chim tu hú như một mở màn cho sự bắt đầu của khung cảnh thiên nhiên đất trời với đầy đủ nhịp điệu và thanh sắc khi hè sang.
Phân tích bài thơ “Khi con tu hú”, ta cũng nhận thấy tiếng chim ấy cũng chính là sự chuẩn bị là âm thanh gợi nhắc để nhà thơ bộc lộ những nỗi niềm chất chứa trong lòng của mình ở những câu thơ tiếp theo.
Trước bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống của đất trời khi vào hè, nhà thơ cũng đã tỏ bày tâm trạng, suy tư của bản thân mình trong hoàn cảnh ngục tù ngang trái ở những câu thơ còn lại của tác phẩm:
“Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!”
Nếu như bên ngoài song sắt là sự hiện diện của một thế giới đẹp đẽ ngồn ngộn sức sống và sự tự do bởi âm thanh, sắc màu và hương vị thì bên trong song sắt lạnh lùng ấy lại có một sự đối lập đến xót lòng.
Đó là sự bắt bớ, là tra tấn, là giam cầm đến ngộp thở của nhà tù thực dân khiến người ta như ngột ngạt, bí bách hơn bao giờ hết. Cảm giác đó lên đến đỉnh điểm đã có lúc khiến người tù muốn dùng đến hành động “đạp tan phòng” để giải tỏa nhưng cũng không tài nào xóa đi cái “ngột”, cảm giác như “chết uất” đang phải chịu đựng.
Phân tích bài thơ Khi con tu hú sẽ thấy chính những động từ mạnh (“đạp”, “ngột”, “chết uất”), các từ cảm thán (“ôi”, “làm sao”, “thôi”) và sự thay đổi nhịp điệu 6/2 (“Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!”) và 3/3 (“Ngột làm sao, chết uất thôi”) đã tạo nên sự mạnh mẽ trong giọng điệu của nhà thơ, như thể hiện sự quyết liệt trong mong muốn, ý chí.
Đến câu thơ cuối, âm thanh của tiếng chim tu hú lại một lần nữa xuất hiện tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng nhưng lúc này âm thanh ấy lại thể hiện một ý nghĩa khác.
Nếu như lúc đầu, tiếng chim tu hú gọi về trong tâm trí tác giả cả một khung cảnh mùa hè tràn đầy sức sống thì lúc này đây cũng là tiếng kêu ấy nhưng lại là sự giục giã, thôi thúc con người tìm đến sự tự do. Tiếng kêu chim tu hú trước đó gợi nhắc những hoài niệm và giờ đây lại thúc giục con người hành động.
Từ sự cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời ở những câu thơ đầu, giờ đây sự tinh tế trong cách cảm nhận ấy chuyển biến thành khát khao hành động để con người có thể thoát khỏi chốn ngục tù.
Sâu xa hơn, âm thanh của loài chim đặc trưng của mùa hè ấy phải chăng cũng chính là tiếng gọi thể hiện niềm khát khao, mong mỏi đang hừng hực trong lòng tác giả cũng như tất cả mọi người về một ngày đất nước được hòa bình, thống nhất, nhân dân được sống trong yên bình, độc lập và tự do.
Bài 2
Trong thời kỳ Cách mạng, Tố Hữu là một nhà thơ với nhiều những tác phẩm hay viết về những chủ đề khác nhau. Do đó, Tố Hữu đã trở thành một trong những nhà thơ có nhiều thành công nhất trong thời kỳ này. Mỗi tác phẩm văn học đều được tác giả coi như đứa con yêu quý của mình để bộc lộ những dòng tâm sự thầm kín.
“Khi con tu hú” được sáng tác trong thời gian nhà thơ bị bắt giam khi đang hoạt động. Bài thơ đã thể hiện được khao khát cháy bỏng của người chiến sĩ muốn hướng tới cuộc sống tự do ở bên ngoài. Với Tố Hữu, thông qua đứa con tinh thần “Khi con tu hú”, nhà thơ đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên mùa hè rạo rực với khát vọng tự do, tình yêu quê hương, đất nước đến mãnh liệt.
Nhan đề “Khi con tu hú” của bài thơ không chỉ nói đến thời gian mà còn ẩn ý là một thời điểm bừng lên của thiên nhiên tạo vật. Bên cạnh đó làm toát lên nỗi khát khao hoạt động cách mạng của con người. Tiếng chim tu hú có tác động mạnh mẽ đến nhà thơ bởi lẽ nó báo hiệu một mùa hè đến và là biểu tượng cho sự tự do – điều tác động mạnh mẽ nhất đến với Tố Hữu.
Bài thơ “Khi con tu hú” được sáng tác vào năm 1939 tại nhà lao Thừa Phủ Huế, in trong tập thơ “Từ ấy”, là một trong những bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Tố Hữu. Qua bài thơ, người đọc thấy được tình yêu cuộc sống thiết tha và niềm khao khát tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cộng sản khi phải chịu cảnh tù đày khắc nghiệt. Trước hết sáu câu thơ đầu là bức tranh thiên nhiên mùa hạ thanh bình, rực rỡ nơi đồng quê:
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đương chín trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào tầng không…”
Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, hết sức tự nhiên, sống động, linh hoạt, nhà thơ đã dựng lên trước mắt người đọc khung cảnh thiên nhiên mùa hạ đẹp như một bức tranh lụa. Âm thanh của tiếng chim tu hú gọi bầy cứ ngân nga vang vọng như đánh thức cả thiên nhiên, đưa hồn người lạc vào thế giới của hoài niệm xa xăm về một mùa hạ sáng tươi, rộn rã, ngập tràn sức sống.
Cảnh vật hiện lên thật lung linh với sự hòa trộn một cách hài hòa của âm thanh, màu sắc, hương vị. Đó là âm thanh rộn ràng của tiếng chim tu hú, của tiếng ve gọi hè, của tiếng sáo diều vi vu trên tầng không. Đó là màu sắc rực rỡ của màu lúa chín, của bắp rây vàng hạt, của ánh nắng đào dịu nhẹ. Đó là hương vị ngọt ngào của trái cây, là bầu trời rộng lớn, tự do của trời cao, diều sáo,… Tất cả như đang tấu lên khúc nhạc mùa hè với rộn rã âm thanh, rực rỡ sắc màu, chan hòa ánh sáng, ngọt ngào hương vị.
Tu hú đến mang theo mùa hè với biết bao hương sắc, Tố Hữu cảm nhận được lúa chiêm đang chín làm cho hình ảnh những cánh đồng lúa chín vàng như hiện lên trước mắt chúng ta. Tiếng chim tu hú đã làm bừng tỉnh một góc tăm tối trong tâm hồn thi nhân với khao khát được hòa hợp cùng thiên nhiên đến mãnh liệt.
Con chim tu hú đánh thức tâm hồn nhà thơ khi “lúa chiêm đang chín” còn trái cây thì “ngọt dần”. Ta thấy tác giả nói “đang chín” chứ không phải là đã chín ngọt. Dường như mùa hè đang đến dần, nhà thơ muốn nó đừng trôi qua nhanh mà hãy chậm rãi nhà thơ muốn níu giữ từng chút một thời gian.
Có lẽ, nhà thơ cảm nhận được thời gian trôi đi thật nhanh và muốn níu giữ những hương thơm của đất trời nên đã viết rằng “đang chín” và “ngọt dần” chứ không phải đã chín và đã ngọt. Chắc chắn Tố Hữu phải là nhà thơ có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và có trí tưởng tượng phong phú thì mới có thể dựng lên một bức tranh thiên nhiên mùa hạ đẹp, sinh động và giàu cảm xúc khi đang ở trong cảnh tù đày như vậy.
Qua đó, chúng ta cũng thấy được tâm hồn trẻ trung, yêu đời và niềm khát khao tự do mạnh mẽ của thi nhân. Bốn câu thơ cuối là cảm xúc và niềm khát khao tự do cháy bỏng của người chiến sĩ:
“Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao chết mất thôi
Khi con tu hú ngoài trời cứ kêu!”
Trong thơ của Tố Hữu luôn thường trực một nỗi khát khao được tự do, được cống hiến cho Cách mạng vô cùng mạnh mẽ và cháy bỏng. Ông đã thể hiện điều đó qua cách ngắt nhịp linh hoạt: 2/2/2; 6/2; 3/3; 4/4 kết hợp cùng các động từ tình thái mạnh như “đập tan phòng”, “chết uất thôi”. Để nhấn mạnh cho tâm trạng uất ức đến tột cùng của bản thân, Tố Hữu đã sử dụng những từ cảm thán như “ôi, làm sao, thôi” để lột tả cảm xúc của bản thân.
Có thể thấy, trong bài thơ của Tố Hữu, ông đã sử dụng những động từ mạnh như “đạp”, “ngột”, “chết” cùng với dấu chấm than ở cuối câu thơ, như để biểu đạt cho lòng khát khao hướng tới tự do, để được cống hiến, được phục vụ cho Cách mạng của bản thân. Tố Hữu như muốn thể hiện những cảm xúc phẫn uất trào dâng thông qua cách biểu đạt mạnh mẽ ấy.
Khi mang hình ảnh những đàn chim tu hú bay lượn ngoài trời và kêu vang từng tiếng, Tố Hữu đã so sánh những tiếng kêu của đàn tu hú như những tiếng gọi lên đường kháng chiến cứu nước. Tiếng chim tu hú gọi bầy trước không gian to lớn mênh mông đã tạo nên sự đối lập trong tâm hồn nhà thơ khi nhà thơ đang bị giam cầm không thể ra ngoài để hoạt động cách mạng.
Bởi vậy, dù con đường cách mạng có khó khăn đến đâu thì nhà thơ cũng sẽ đương đầu và hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Tâm trạng đau khổ, uất ức bật thốt thành những lời thơ thống thiết cùng những câu thơ chứa đựng nỗi khắc khoải, vật vã, day dứt khôn nguôi cả về thể xác lẫn tâm hồn của nhà thơ trẻ.
Bài thơ “Khi con tu hú” đã khép lại nhưng tiếng chim tu hú vẫn vang vọng mãi trong tâm hồn nhà thơ. Qua bức tranh thiên nhiên đầy hương sắc được cảm nhận, tô vẽ bằng nhiều giác quan đã giúp Tố Hữu giãi bày được những uất ức trong lòng mình. Với cách sử dụng ngôn từ giản dị nhưng có tính tạo hình cao đã khẳng định tài năng nghệ thuật của nhà thơ. Người nghệ sĩ không chỉ cầm bút để đánh giặc mà còn có thể cầm súng ra chiến trường. Họ có một niềm khao khát tự do đến cháy bỏng, khát khao được đứng trong hàng ngũ của Đảng để mang sức mình phục vụ cách mạng.
Bài 3
“Từ ấy” là tập thơ đầu tay của nhà thơ Tố Hữu, được sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1937 đến năm 1946. Phần lớn các bài thơ được đăng trên báo chí công khai và bí mật từ năm 1938, được tập hợp lại và xuất bản lần đầu năm 1946.
Trong tập thơ có bài “Khi con tu hú”, được sáng tác vào năm 1939, khi ấy nhà thơ bị địch bắt giam tại lao Thừa Phủ – Huế. Bị giam cầm trong bốn bức tường vôi lạnh, tâm trạng người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi cảm thấy ngột ngạt, lòng lúc nào cũng hướng về bầu trời tự do bên ngoài. Nỗi ngột ngạt, u uất bị dồn nén đã biến thành niềm khát vọng tự do cháy bỏng khi ngoài song sắt nhà tù, nơi không gian tự do thoáng đãng bỗng vang lên tiếng chim tu hú gọi bầy.
Nhan đề “Khi con tu hú” của bài thơ không chỉ nói đến thời gian mà còn ẩn ý là một thời điểm bừng lên của thiên nhiên tạo vật. Bên cạnh đó, tiếng chim tu hú có tác động mạnh mẽ đến nhà thơ bởi lẽ nó báo hiệu một mùa hè đến và như đang thể hiện nỗi khát khao tự do, ý chí muốn được chiến đấu, được hoạt động cho cách mạng.
Mở đầu bài thơ, Tố Hữu đã vẽ lên cho chúng ta thấy được một bức tranh thiên nhiên vào hè thật tươi đẹp, đầy sống động và thấy được những âm thanh sôi động ngày hè mà đặc biệt là tiếng chim tu hú đang cất lên từng hồi để gọi bầy:
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần”
Tiếng chim tu hú chính là dấu hiệu của mùa hè đến, của sự sống tưng bừng sinh sôi nảy nở, tiếng chim đã tác động đến tâm hồn người tù trẻ tuổi. Khi ở trong xà lim chật chội tối tăm tách biệt với thế giới bên ngoài, nhà thơ lắng nghe tiếng chim rộn rã, lắng nghe mọi âm thanh của cuộc đời bằng chính tâm hồn và trái tim nhạy cảm của một người nghệ sĩ. Một tiếng chim thôi cũng gợi cho nhà thơ cả một trời thương nhớ về những mùa hè của quê hương.
Như ta cũng đã biết mùa hè là mùa thu hoạch, là mùa của lúa chiêm đang rộ chín, trái cây dường như cũng ngọt dần dưới cái nắng của miền trung. Những âm thanh rạo rực và những hình ảnh tươi đẹp tràn đầy sức sống của mùa hè liên tục hiện lên trong kí ức của nhà thơ.
“Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…”
Rồi là tiếng ve kêu tiếng ve ngân dài suốt thời thơ ấu, suốt những năm tháng học trò, làm sao có thể quên được, tiếng ve kêu gợi nhớ về những năm tháng ấy. Màu vàng của bắp, màu hồng của nắng, màu xanh của trời tạo nên những mảng sắc màu lung linh rực rỡ của bức tranh quê.
Thoang thoảng đâu đây mùi hương lúa, hương thơm của trái chín đầu mùa. Xa xa là tiếng chim hót líu lo tiếng ve ngân nga trên cành lá,… Đó là mùa hè mà chàng thanh niên mười tám còn được sống tự do với gia đình bè bạn và đồng chí thân thương. Phải gắn bó yêu mến quê hương lắm mới hình dung ra được một bức tranh quê xứ Huế sống động đến như vậy!
Trước vẻ đẹp của thiên nhiên và đặc biệt là tiếng chim tu hú rộn ràng, cái ước muốn thoát ra bên ngoài của người tù càng mạnh mẽ hơn:
“Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết mất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu.”
Bốn câu thơ cuối trực tiếp bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của tác giả. Đó là tâm trạng đau khổ, bực bội, uất ức, ngột ngạt nhưng không hề mang vẻ bi quan, chán chường, tuyệt vọng của một tâm hồn yếu đuối dễ bị gục ngã trước hoàn cảnh. Nhịp thơ đang đều đều, êm ái đến câu 8 và 9 bỗng bị ngắt bất thường 6/2, 3/3; các từ ngữ, hình ảnh đang vui tươi, đến đây bỗng trở nên mạnh mẽ, dữ dội như “đập tan phòng”, “chết uất”, “ngột”. Tất cả đều thể hiện khát khao cháy bỏng muốn thoát khỏi cảnh tù ngục của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi khi đang phơi phới trên con đường cách mạng.
Bài thơ mở đầu bằng tiếng chim tú hú và kết thúc cũng bằng tiếng chim tu hú. Mỗi tiếng kêu của nó là một tín hiệu gợi nhắc về cuộc sống tự do và thân phận tù tội. Nếu ở đầu bài, tiếng chim tu hú là tiếng báo mùa, một thứ âm thanh hay và đẹp thì ở cuối bài, nó là một thứ âm thanh nhức nhối, thúc giục hành động. Tố Hữu đã rất tinh tế khi chỉ bằng tiếng chim báo mùa đã gợi tả được nhiều nỗi niềm, tâm sự, cảm xúc của người tù cộng sản.
Lắng nghe tiếng chim tu hú, tâm trạng của tác giả cũng chuyển biến từ niềm hân hoan trước mùa hè sôi động đến nỗi uất ức, bực tức, đau khổ khi bị giam cầm uổng phí và khát khao phá tan bức tường nhà giam ngột ngạt để trở về với cuộc sống tự do tươi đẹp. Bài thơ kết thúc bằng cách mở ra tiếng chim tu hú cứ kêu như giục giã những hành động sắp tới.
Có thể nói, tiếng chim tu hú chính là tiếng gọi của tự do, của sự sống. Nó khiến cho người tù cách mạng phải bồn chồn, mong mỏi được thoát ra khỏi không gian ngột ngạt chốn lao tù để hòa mình vào thế giới của tự do. Sâu trong từng câu chữ hòa với tiếng chim tu hú là khát vọng được tự do trong một đất nước hòa bình độc lập.
Không chỉ thành công về mặt nội dung, Tố Hữu cũng thành công về mặt nghệ thuật khi sử dụng thể thơ truyền thống của dân tộc – thể thơ lục bát, vừa uyển chuyển lại dễ hiểu dễ nghe. Nhịp thơ được ông biến chuyển linh hoạt, được ngắt nhịp đều đặn theo xúc cảm và tâm trạng của nhà thơ. Ngôn ngữ ông sử dụng cũng giản dị, dễ hiểu, hình ảnh thơ mộc mạc, gần gũi, lời thơ da diết thể hiện niềm khát vọng cháy bỏng của người tù.
Bài thơ “Khi con tu hú” của Tố Hữu đã tạo nên bức tranh ngày hè thật đẹp đẽ với đầy đủ âm thanh và sắc màu. Tất cả đều toát lên một sức sống cực kì mãnh liệt. Tình cảm trong bài thơ được nhà thơ thể hiện sâu sắc và da diết qua thể thơ lục bát mộc mạc. Bài thơ là tình yêu cuộc sống tha thiết, sâu nặng của nhà thơ và niềm khao khát tự do tới cháy bỏng của người tù cách mạng trong hoàn cảnh tù đày.
Xem thêm:
- So sánh vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương
- Soạn bài và Tóm tắt Uy Lít Xơ trở về – Ngữ Văn 10
- Soạn bài Lão Hạc Ngắn Gọn HAY NHẤT và tóm tắt tác phẩm lão Hạc lớp 8
Qua bài viết vừa rồi, DINHNGHIA.com.vn đã vừa phân tích bài thơ “Khi con tu hú” để các bạn có thể hiểu rõ hơn về bài thơ này. Mong rằng, với những phân tích trên sẽ giúp các bạn dễ dàng hơn trong việc học. Nếu có bất cứ câu hỏi hay đóng góp gì cho chủ đề phân tích bài thơ “Khi con tu hú”, đừng quên để lại nhận xét bên dưới nhé. Chúc bạn luôn học tốt!