Miso là một nguyên liệu vô cùng quen thuộc của nhiều món ăn Nhật Bản. Đây là một loại gia vị mang đến hương vị đặc trưng, khiến bạn không thể nào quên. Hôm nay, cùng trang DINHNGHIA khám phá ngay loại gia vị này, cũng như cách làm và các món ăn ngon từ miso nhé!
Nội dung bài viết
Miso là gì?
Miso (hay tương miso) là một loại gia vị quen thuộc, tạo nên sự độc đáo trong ẩm thực Nhật Bản. Nguyên liệu chính để làm nên miso là đậu nành, lúa mạch và gạo. Đồng thời, để tạo được độ đặc sánh, miso cần trải qua một quá trình lên men (với muối và nấm kojikin).
Nếu đã từng nếm thử miso, chắc chắn bạn sẽ bị ấn tượng bởi vị mặn ngọt đan xen, thơm ngon và hơi nồng hương men.
Các loại miso
Phân loại theo nguyên liệu
Nếu chúng ta phân loại như miso theo nguyên liệu thì sẽ bao gồm 4 loại chính là miso gạo (phổ biến nhất), miso lúa mạch, miso đậu và miso hỗn hợp.
- Miso gạo: Với nguyên liệu chính là gạo và đậu nành, trải qua quá trình lên men. Màu sắc và hương vị sẽ thay đổi theo khí hậu nơi đó. Ví dụ như Hokkaido, thời tiết lạnh thì tương miso thường có vị mặn và màu đỏ; còn Osaka với không khí ấm hơi thì tương miso có màu trắng và vị ngọt.
- Miso lúa mạch: Được tạo thành qua quá trình lên men của lúa mạch và đậu nành. Chúng thường có màu hơi vàng. Tương tự như miso gạo, hương vị của chúng sẽ có sự khác nhau giữa các vùng. Ví dụ như miso ở Kanto thì thường có vị mặn, còn Kyushu thì sẽ ngọt hơn.
- Miso đậu: Nguyên liệu duy nhất để làm món miso này là đậu nành, trải qua quá trình lên men, thường có màu sẫm và vị khá mặn.
- Miso hỗn hợp: Thành phần nguyên liệu gồm đậu nành kết hợp cùng nhiều loại miso khác, trải qua quá trình lên men. Loại miso này thường có vị khá dễ thưởng thức vì bạn có thể điều chỉnh hương vị dựa trên khẩu vị của bản thân.
Phân loại theo màu sắc và mùi vị
Như đã đề cập bên trên, màu sắc và mùi vị của miso sẽ thay đổi tùy theo thời tiết, khí hậu của nơi đó. Nếu phân loại theo màu sắc và mùi vị, có khoảng 3 loại miso phổ biến:
- Miso trắng: Khi đun sôi đậu nành, bạn sẽ thấy đường cùng với protein chảy ra, hòa quyện vào men hoặc gạo tinh chế. Tuy thời gian lên men ngắn, nhưng hương vị ngọt ngào ấn tượng hơn rất nhiều.
- Miso màu đậm nhẹ: Là loại miso kết hợp giữa miso đỏ và trắng. Thời gian lên men ngắn (từ 3 tháng đến 1 năm). Hương vị của loại miso này thường mặn và có tính axit mạnh hơn.
- Miso đỏ: Màu sắc đặc trưng của loại miso này được tạo ra nhờ quá trình chế biến phải trải qua nhiệt độ cao với thời gian lên men khoảng 2 năm. Vậy nên miso đỏ này là loại miso mặn nhất trong 3 loại.
Những món ăn từ miso
Mì ly cá hồi sốt miso
Mì ly cá hồi sốt miso là một món ăn khá dân giã nhưng vô cùng lôi cuốn với màu sắc bắt mắt, độc đáo, hòa quyện hoàn hảo giữa màu xanh sẫm của lá rong biển vớ màu đỏ đặc sắc của ớt, thêm xíu màu vàng tươi óng ánh của lòng đỏ trứng và màu hồng tươi ngon của cá hồi. Đặc biệt, cá hồi béo ngậy hòa quyện cùng miso khiến món cân bằng hương vị và không hề ngấy.
Súp miso
Súp miso là một món ăn truyền thống của Nhật Bản, với cách chế biến đơn giản từ các nguyên liệu chính là nước dùng dashi, tương miso. Bên cạnh đó, bạn có thể thêm một số loại topping như rong biển, đậu hũ. Vậy là bạn đã có một món canh nóng hổi, mặn mà tròn vị.
Mì udon gà sốt miso
Tiếp đến cũng là một món ăn vô cùng hấp dẫn, khiến bất cứ ai đã từng thưởng thức đều nhớ mãi. Mì udon gà sốt miso nổi bật với phần nước dùng thanh ngọt, thịt gà mềm, thấm vị. Tất cả hòa quyện mang đến cho bạn một món ăn vô cùng vừa miệng và độc đáo.
Namero
Namero với cách chế biến vô cùng đơn giản, xay nhuyễn cá hoặc thịt, trộn đều với gia vị bao gồm tương miso. Chắc chắn đây sẽ là một sự kết hợp gây bùng nổ vị giác, thịt cá mềm, hòa quyện cùng vị mặn đặc trưng khiến bạn chỉ muốn nếm mãi thôi.
Thịt heo chiên xù phủ sốt miso
Cuối cùng là một món ăn khá quen thuộc, thịt heo chiên xù phủ sốt miso có thể kết hợp với nhiều loại nguyên liệu như sợi mì, cơm. Lớp vỏ giòn đều, thịt bên trong đẫm nước và thấm vị.
Cách làm Miso
Đầu tiên, bạn cần lựa chọn những hạt đậu nành chất lượng nhất và ngâm qua đêm. Sau khi hấp chín thì sẽ tiến hành nghiền nát sau khi đã nguội. Nếu bạn chế biến miso theo phong cách truyền thống thì sẽ được nghiền thủ công bằng tay với cối giã.
Tiếp theo, bạn bắt đầu lên men với nấm koji và muối (chiếm khoảng 10 – 13% tổng khối lượng đậu nành). Cho hỗn hợp trên cùng với đậu nành đã xay nhuyễn vào một cái chậu và trộn thật đều. Sau đó, nén chặt hỗn hợp trên thành từng hình cầu tròn như quả bóng và cẩn thận xếp vào thùng gỗ.
Dùng tay ấn mạnh để ép lớp đậu nành xuống dưới đáy thùng, giúp làm giảm khối lượng không khí còn trong thùng gỗ. Cuối cùng, rắc lên trên bề mặt một lớp muối mỏng rồi phủ lại bằng một lớp màng bọc thực phẩm.
Để thu được miso, bạn ủ hỗn hợp trên trong 3 – 6 tháng ở nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc với ánh sáng. Bên trên nắp bạn đặt thêm một vật nặng (khối lượng khoảng 30% khối lượng thùng đựng miso) để ép nước thoát lên trên bề mặt thùng.
Có thể ăn Miso khi hết hạn sử dụng không?
Vì phương pháp làm nên Miso là nhờ quá trình lên men nên trên thực tế, miso hết hạn vẫn có thể sử dụng tiếp tục. Đồng thời, trong quá trình sử dụng, tương miso vẫn sẽ tiếp tục lên men, thay đổi màu sắc và hương vị.
Tuy nhiên, nếu khi quan sát, bạn thấy miso đã bị lên mốc, nấm và có mùi hôi thối thì không nên sử dụng.
Bảo quản Miso
Tiếp theo, để luôn đảm bảo chất lượng và dinh dưỡng từ Miso, bạn cần có cách bảo quản hợp lý và chính xác.
- Nhiệt độ thích hợp để bảo quản miso là ở nhiệt độ phòng, ít độ ẩm và tránh ánh nắng trực tiếp.
- Miso sau khi đã mở nên bảo quản trong tủ lạnh, hạn chế để miso tiếp xúc trực tiếp với không khí.
- Bạn nên bảo quản miso trong ngăn đông tủ lạnh nếu không thường xuyên dùng.
- Nếu bề mặt miso bị lên mốc trắng thì bạn có thể “cứu” bằng cách loại bỏ phần mốc trắng đi, xịt rượu lên bề mặt và tiếp tục sử dụng.
Xem thêm:
- Ngũ vị hương là gì? Cách dùng và các món ngon có ngũ vị hương
- Mực nang là gì? Làm món gì ngon và bao nhiêu 1Kg mực tươi?
- Phá lấu là gì? Sự giao thoa của ẩm thực Việt Nam và Trung Quốc
Vậy là bạn đã biết miso là gì, cũng như các loại miso quen thuộc và một số món ăn ngon từ miso. Hy vọng những thông tin bên trên sẽ mang đến cho bạn những kiến thức vô cùng bổ ích về loại nguyên liệu đặc trưng của Nhật Bản và thử chế biến ngay cho gia đình nhiều món ăn hấp dẫn nhé.