Bạn thường thấy hoa bỉ ngạn xuất hiện trong những bài hát, bộ phim nhằm thể hiện cho sự chia ly, đau buồn. Bạn thắc mắc về loài hoa này rằng liệu nó có thật không và mang ý nghĩa như thế nào? Bài viết dưới đây của DINHNGHIA.COM.VN sẽ giúp bạn hiểu bỉ ngạn là gì? Truyền thuyết, ý nghĩa liên quan đến loài hoa đặc biệt này và những bài thơ buồn về hoa bỉ ngạn. Cùng mình tìm hiểu ngay thôi nào!
Nội dung bài viết
Hoa bỉ ngạn là hoa gì?
Hoa bỉ ngạn còn thường được biết đến với tên gọi khác là Long Trảo Hoa, cây Mạn Châu Sa Hoa, Hồng Hoa Thạch Toán,… Loài hoa này có tên khoa học là Lycoris Radiata và tên tiếng Anh là Spider Lily.
Bỉ Ngạn có 3 màu chính là màu đỏ, vàng, trắng nhưng phổ biến và được nhiều người yêu thích nhất là màu đỏ (Mạn Châu Sa Hoa).
Bỉ ngạn có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản nên chúng rất hay xuất hiện trong các bài hát, phim truyện của hai quốc gia này.
Bỉ ngạn là loài cây thân thảo lâu năm thuộc họ Amaryllidaceae. Chúng chỉ cao tầm 40-100cm, thường mọc sát nhau trên những bờ ruộng, ven đường, triền đồi và đặc biệt là ở trong những nghĩa địa.
Củ của loài hoa này rất nguy hiểm vì có chứa chất lycorin – một chất độc thuộc nhóm ancaloit có thể gây tổn thương đến hệ thần kinh.
Một điều đặc biệt ở loài cây này là một khi đã ra hoa thì lá sẽ ngưng phát triển và nếu cây có lá thì ngược lại sẽ không có hoa. Chính vì lẽ đó bạn sẽ không bao giờ thấy hoa và lá của bỉ ngạn xuất hiện trên cây cùng nhau.
Truyền thuyết hoa bỉ ngạn
Truyền thuyết 1
Theo truyền thuyết kể lại thì bỉ ngạn là loài hoa duy nhất có thể mọc và tồn tại được trên đường xuống hoàng tuyền.
Chính vì vậy trước khi các linh hồn qua cầu Nại Hà bắc ngang bờ Vong Xuyên, họ sẽ gửi lại toàn bộ ký ức của mình cho hoa bỉ ngạn để lòng thanh thản, an tâm đầu thai bắt đầu một cuộc sống mới ở kiếp khác.
Loài hoa này nắm giữ, chất chứa những tâm tư, những hồi ức của người gửi gắm, đó có thể là tình cảm thắm thiết, nỗi thất vọng khi chưa thực hiện được tâm nguyện ở kiếp này hoặc là những ký ức đau khổ tột cùng.
Truyền thuyết 2
Xưa kia có một cặp đôi trai tài gái sắc, họ yêu thương và dành tình cảm đặc biệt cho nhau nhưng theo luật Thiên Đình, họ không được phép gặp gỡ.
Một ngày nọ, nỗi nhớ da diết đã khiến họ không thể kiềm chế và phá vỡ giới luật để tìm đến bên nhau. Vừa gặp cả hai đã quyến luyến không thể xa rời, nguyện ước hẹn ở bên nhau đến kiếp kiếp đời đời dù biết sẽ gặp vô vàn khó khăn, trắc trở.
Và điều gì đến cũng sẽ đến, vì phạm luật Trời nên họ bị đày đọa xuống trần gian rồi biến thành hoa và lá của cùng một cây.
Tuy lá xanh, hoa đỏ đẹp lộng lẫy, kiêu sa nhưng cây và lá không bao giờ xuất hiện cùng nhau. Có hoa thì sẽ không thấy lá, mà có lá lại chẳng thể thấy hoa, giữa hoa và lá luôn bị chia lìa, không thể gặp mặt.
Vào một ngày nọ Đức Phật đi ngang qua, thấy trên mặt đất có một loài hoa đỏ rực, đẹp rực rỡ nhưng lại toát lên sự nhớ nhung, chất chưa vô vàn u sầu.
Động lòng cảm thông, thương sót, Đức Phật đã quyết định mang hoa về miền Cực Lạc. Nhưng ở đây là vùng Phật quốc nên tất cả những gì là tình si, nhung nhớ, u sầu, đau khổ,… đều không được phép tiến nhập.
Vì lẽ đó những cảm xúc của con người đều phải rời khỏi hoa, kết thành một màu đỏ rực lửa rồi rơi xuống sông Vong Xuyên. Cuối cùng dù đã chuyển sang kiếp khác nhưng đôi tình nhân vẫn phải chịu số phận chia lìa, không được ở bên nhau.
Ý nghĩa hoa bỉ ngạn
Ở các quốc gia, vùng đất riêng hoa bỉ ngạn sẽ mang cho mình một ý nghĩa riêng tùy vào cảm nhận của con người nơi đó. Tuy nhiên, nhìn chung thì loài hoa này vẫn được mọi người coi là biểu tượng của sự chia ly.
Tại Nhật bỉ ngạn tượng trưng cho những hồi ức đau buồn, khó phai. Trong khi đó ở Triều Tiên, loài hoa này thường được sử dụng với hàm ý nhắm đến nỗi nhớ nhung da diết của các đôi lứa yêu nhau.
Còn ở Trung Quốc hoa bỉ ngạn nói lên sự ưu mỹ thuần khiết, bên cạnh đó chúng cũng là biểu tượng của sự phân ly, điều không may mắn.
Trong quan điểm Phật giáo thì bỉ ngạn là loài hoa có mặt ở 18 tầng địa ngục nên chúng thường được nhiều người biết đến là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp của cái chết và nói về những “hồi ức đau thương”.
Những bài thơ buồn về hoa bỉ ngạn
Là loài hoa biểu tượng cho sự chia lY, đau buồn nên hình ảnh bỉ ngạn thường được sử dụng trong các bài thơ buồn về tình yêu, những câu thơ như thấm vào tận tâm can, khiến người đọc cảm nhận được nỗi buồn da diết, mãi không thể quên.
Bài thơ 01
Bỉ Ngạn hoa nở bên bờ sinh tử
Sông Vong Xuyên ánh đỏ cả một dòng
Mạnh Bà Thang là ai quên ai nhớ
Cầu Nại Hà là ai ngóng ai trông
Bài thơ 02
Hoa nở ngàn năm hoa bỉ ngạn
Hoàng Tuyền huyết nhuộm nỗi bi thương
Vô hoa hữu diệp, vô tương ngộ
Vạn kiếp luân hồi, vạn kiếp vương
Bài thơ 03
Ngàn năm hoa nở, ngàn năm hoa tàn
Hoa vừa nở, lá đã vội tan
Lá vừa chớm mọc, hoa lại rụng
Có lá không hoa
Thấy hoa không lá
Chung một rễ mà chẳng thể gặp
Ở rất gần mà cũng rất xa
Cứ nhớ thương mà ôm sầu thương nhớ
Vạn kiếp luân hồi, vạn kiếp bi
Bài thơ 04
Trên đường hoàng tuyền, có hoa Bỉ Ngạn
Hoa chờ một người, yêu tận tâm can
Duyên phận trái ngang, đời đời lỡ dở
Số mệnh sắp đặt, vạn kiếp chẳng nên duyên…
Chẳng phải thần tiên, chẳng phải hồ điệp
Nguyện làm tri kỷ bầu bạn nơi cửu tuyền
Vong xuyên bất tận, Bỉ ngạn tịch liêu
Có phải chăng chẳng chờ được người yêu?
Chỉ nguyện làm thân hoa mọc trên đất
Có hoa không lá, có lá không hoa
Lặng nhìn nhân thế, lặng nhìn đời trôi…
Bài thơ 05
Bỉ ngạn hoa – hoa nở không thấy lá
Sông Vong Xuyên nước sâu tựa trời cao
Sương Giang Nam mưa bụi phủ Nại Hà
Cố nhân cười chặt đứt một hồi duyên.
Xem thêm:
- Trốc tru tiếng miền Trung là gì ? Khu mấn nghĩa là gì ?
- Những đứa con trong gia đình và Rừng xà nu – Ngữ văn THPT
- Phân tích vẻ đẹp hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
Và đó là tất cả những điều thú vị liên quan đến hoa bỉ ngạn, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Nếu có thắc mắc về điều gì trong bài thì bạn hãy để lại bình luận bên dưới nhé!