Thuyết minh về truyện Kiều của Nguyễn Du lớp 9 để thấy tác phẩm chính là một kiệt tác của dân tộc ta ở mọi thời đại, đồng thời còn kết tinh những giá trị lớn lao. Bên cạnh đó, thuyết minh về truyện Kiều còn giúp ta cảm nhận được tài năng và tấm lòng nhân đạo của đại thi hào Nguyễn Du. Bài viết dưới đây của DINHNGHIA.COM.VN sẽ giúp bạn tổng hợp thuyết minh về truyện Kiều, cùng tìm hiểu nhé!.
Mở bài: Dù đã trải qua gần hai thế kỉ kể từ khi được sáng tác nhưng “Truyện Kiều” của Nguyễn Du vẫn là một tác phẩm có ý nghĩa đặc biệt với đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Không chỉ là một kiệt tác xếp vào hàng kinh điển của văn học nước nhà mà đây còn là một tác phẩm được đón nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Nội dung bài viết
Tổng quan về tác giả Nguyễn Du
Nguyễn Du (1765 – 1820), tên chữ của ông là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Ông là người con của làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình Nguyễn Du là một gia đình có truyền thống Nho học và nhiều đời làm quan. Cha ông vốn là Nguyễn Nghiễm có vốn kiến thức thâm sâu đã đỗ tiến sĩ và từng đảm nhiệm chức Tể tướng ở triều đình. Nguyễn Du có một người anh trai cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản cũng làm quan to dưới triều Lê – Trịnh.
Có rất nhiều yếu tố đã tạo cái duyên của Nguyễn Du với văn học. Trước hết, gia đình ông là một gia đình có truyền thống văn học, sành thơ Nôm và đặc biệt là thích đàn ca hát xướng nên ông đã có điều kiện rất thuận lợi để tiếp xúc và học tập những hình thức nghệ thuật giá trị, ông có cảm tình đặc biệt với thơ văn.
Không những thế những cùng đất đã đi qua cuộc đời Nguyễn Du cũng giúp ông có những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa để ông có thể phục vụ cho việc sáng tác của mình. Đó là quê hương Hà Tĩnh tuy nghèo khó nhưng là vùng đất của địa linh nhân kiệt, là quê mẹ vùng Kinh Bắc vốn là cái nôi của dân ca quan họ, là Thái Bình quê vợ có truyền thống văn hóa đậm đà và đất kinh kì Thăng Long nghìn năm văn hiến – nơi ông sinh ra. Chính sự tiếp nhận về văn hóa ở nhiều vùng quê khác nhau đó đã giúp Nguyễn Du có thêm vốn hiểu biết về cuộc sống và học hỏi được những giá trị tốt đẹp của sự tổng hợp về nghệ thuật, nhất là nghệ thuật dân gian.
Giai đoạn cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX mà Nguyễn Du sống là những tháng năm có rất nhiều những biến động của lịch sử cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du. Trong giai đoạn này, đất nước ta diễn ra sự suy yếu, khủng hoảng trầm trọng của chế độ phong kiến, cùng với đó là sự nổi dậy khởi nghĩa của phong trào nông dân mà nổi bật nhất là khởi nghĩa Tây Sơn.
Hoàn cảnh đất nước với sự thay ngôi đổi chủ nhiều lần đã khiến cho nhân dân mang tâm lí hoang mang vô cùng. Cũng như họ, Nguyễn Du cũng có rất nhiều những trăn trở, suy tư về thời mình và ông đã mượn thơ văn để thổ lộ hết những điều đó.
Những yếu tố tác động nói trên đã tạo nên nền tảng sáng tác ở Nguyễn Du và giúp ông đạt được những thành to lớn trong sự nghiệp văn học. Trong cuộc đời sáng tác của mình, Nguyễn Du đã để lại rất nhiều những thi phẩm ở cả chữ Hán và chữ Nôm. Về thơ chữ Hán, Nguyễn Du có ba tập là “Thanh Hiên tiền hậu tập”, “Nam trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục”. Còn về thơ chữ Nôm thì có thể kể đến những kiệt tác của tác giả như: “Truyện Kiều”, “Văn tế thập loại chúng sinh”, “Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu”, “Thác lời trai phường nón”.
Thơ văn Nguyễn Du thường tập trung phản ánh những vấn đề hiện thực trong cuộc đời mà ông có dịp chứng kiến và chiêm nghiệm. Đặc biệt, những tác phẩm của ông cũng chính là phương tiện để ông lên tiếng tố cáo những mặt trái của xã hội phong kiến đầy bất công. Bên cạnh đó, ông cũng rất chân thành bày tỏ sự đồng cảm, ngợi ca và hướng ngòi bút mạnh mẽ vào việc đòi lại quyền sống cho con người và đặc biệt là người phụ nữ.

Giới thiệu tác phẩm “Truyện Kiều”
Nguồn gốc
Tác phẩm “Truyện Kiều” vốn có tên gốc là “Đoạn trường tân thanh” (được dịch nghĩa là “Tiếng kêu mới đứt ruột”). Đây là tác phẩm tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam ở thể loại truyện Nôm và có dung lượng gồm 3254 câu thơ lục bát. Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã dựa vào cốt truyện Trung Quốc là “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân. Tuy mượn lại cốt truyện những Nguyễn Du đã có những sáng tạo hết sức mới mẻ về cả nội dung và nghệ thuật để làm giá trị của tác phẩm này.
Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật
Giá trị nội dung
Trong lĩnh vực nghiên cứu, “Truyện Kiều” là cơ sở, là tư liệu để ta có cả một kho tàng tập hợp những công trình nghiên cứu lớn nhỏ về tác phẩm. Nhiều học giả đã dành tâm sức cả đời của mình để tìm tòi và khai thác những giá trị tốt đẹp của tác phẩm như Đào Duy Anh, Phan Ngọc … có lẽ họ vẫn sẽ không hết đam mê nghiên cứu nếu như khả năng còn có thể. Những học giả ấy đã để lại nhiều công trình có giá trị khi nghiên cứu về những đặc sắc về nội dung và cả nghệ thuật của kiệt tác này.
Thông qua bút pháp tả thực và ước lệ, tác giả đã làm nổi bật ở nàng vẻ đẹp về hình thể (“Rõ ràng trong ngọc trắng ngà” – “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”), dung mạo của nàng được ví như (“Làn thu thủy nét xuân sơn” – “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”) của nàng. Tác giả không chỉ ca ngợi vẻ đẹp mà còn bày tỏ sự trân trọng đối với tài năng và những phẩm chất đáng quý ở nàng. Nàng không chỉ mang vẻ đẹp quốc sắc thiên hương mà còn là người có tài cầm, kì, thi, họa.
Khi miêu tả tài năng của Kiều, Nguyễn Du đã cho thấy sự tiến bộ của mình khi đã đề cao tài năng của người phụ nữ trong khi quan niệm xưa thường coi trọng điều này ở người đàn ông. Kiều cũng là một người con rất mực hiếu thảo khi chấp nhận hi sinh bản thân mình để đổi lấy bình yên cho gia đình trong lần biến cố bị kẻ bán tơ vu oan. Với gia đình là tận hiếu và với người yêu Kiều là người rất ân tình.
Khi quyết định bán mình, Kiều chấp nhận đánh đổi hạnh phúc riêng tư. Thế nhưng, nàng lại rất biết nghĩ cho chàng Kim nên đã nhờ em là Thúy Vân trả nghĩa cho Kim Trọng. Có như thế thì “dù thịt nát xương mòn” thì nàng cũng cam lòng mà “ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”. Suốt cuộc đời, Kiều lại luôn bộc lộ là người có ý thức về bản thân rất rõ.
Nàng nhạy cảm trước phận đời của người ca kĩ Đạm Tiên năm xưa và tiếng khóc cho người cũng là lời nỉ non dự cảm cho chính bản thân mình. Ý thức về bản thân ấy còn được thể hiện trong đêm tình tự với Kim Trọng vì muốn bảo vệ cho tình yêu được trinh nguyên, trong sạch mà nàng không thể để mình đi quá giới hạn cho phép. Thể hiện những giá trị tốt đẹp ấy nơi nhân vật, Nguyễn Du đã cho thấy phần nào tinh thần nhân đạo sâu sắc của mình đối với những con người có những vẻ đẹp đáng quý như Thúy Kiều.
Giá trị nghệ thuật
“Tác phẩm “Truyện Kiều” được xem là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời với thể thơ lục bát và ngôn ngữ thơ được Nguyễn Du sử dụng một cách sáng tạo, linh hoạt. Tác giả đã sử dụng bút pháp tả cảnh, tả người và diễn biến tâm trạng nhân vật một cách tinh tế, mang đậm nét cổ điển và độc đáo, tạo nên một bút pháp nghệ thuật vô song.”
Sức sống của “Truyện Kiều” còn vượt cả không gian để xuất hiện với vai trò là tác phẩm nghiên cứu, là tâm điểm trao đổi trong các hội thảo khoa học quốc tế. Có những nhà nghiên cứu ngoại quốc bày tỏ sự trân trọng tác phẩm, như dịch giả người Pháp Rơ-Ne-Crir-Sắc đã đánh giá trong bài nghiên cứu của mình rằng “Kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du có thể so sánh một cách xứng đáng với những kiệt tác của bất kì quốc gia nào, thời đại nào”.
Trên cơ sở của những bản dịch thuật, nhiều quốc gia trên thế giới đã thể hiện sự nhìn nhận giá trị “Truyện Kiều”, nhất là từ góc độ văn hóa (với những nước Á Đông). Điều này đã được thể hiện qua sự xuất hiện của những tham luận nghiên cứu về tác phẩm ở Lào, Triều Tiên, Hàn Quốc.
Hoàn cảnh sáng tác
Theo nhà nghiên cứu văn học Hoàng Xuân Hãn, Truyện Kiều được Nguyễn Du sáng tác sau chuyến đi Trung Quốc của ông. Vì đến đó ông đã được tiếp cận với tác phẩm Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.
Theo nhận định của học giả Đào Duy Anh, Truyện Kiều được Nguyễn Du sáng tác trước khi ông đi Trung Quốc, vào khoảng cuối thời Lê và đầu thời Tây Sơn. Ông dựa vào những ghi chép trong Đại Nam liệt truyện để đưa ra quan điểm của mình. Ngoài ra Học giả Đào Duy Anh phản bác lại: “Liệt truyện căn cứ vào khẩu truyền thiếu chính xác nên đã ghi là Bắc hành thi tập và truyện Thúy Kiều như nhân gian thường gọi chứ không ghi chính xác là Bắc hành tạp lục và Đoạn trường tân thanh đúng tên gốc của nó”.

Tóm tắt “Truyện Kiều”
Tác phẩm viết về cuộc đời của nhân vật Thúy Kiều và nội dung của toàn tác phẩm có thể được tóm lược trong ba phần chính.
Phần đầu tiên làm nổi bật lên câu chuyện về sự gặp gỡ và đính ước của nhân vật. Thúy Kiều cùng với hai người em là Thúy Vân và Vương Quan xuất thân trong gia đình trung lưu Vương viên ngoại. Họ có một cuộc sống rất bình yên trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”.
Nhân tiết Thanh Minh, Thúy Kiều có cùng em du xuân và có duyên gặp gỡ với Kim Trọng vốn là người rất mực nho nhã, lịch thiệp. Giữa họ đã nảy sinh lòng cảm mến dành cho nhau và thề nguyền đính ước nguyện gắn bó cùng nhau. Cũng trong dịp du xuân tảo mộ này, Thúy Kiều đã gặp nấm mồ của người kĩ nữ Đạm Tiên năm xưa và có những cảm thương dành cho người con gái ấy và cũng bộc lộ những suy tư cho chính cuộc đời của mình.
Sau phần đính ước và lưu lạc, “Truyện Kiều” tiếp tục với những dòng thơ kể về những gia biến và quá trình lưu lạc đằng đẵng của Thúy Kiều. Trong lần Kim Trọng về quê chịu tang chú, gia đình Kiều bất ngờ gặp sóng gió. Cha Kiều bị bắt vì người bán tơ vu oan. Kiều quyết định đứng ra bán mình lấy tiền chuộc cha và nhờ Thúy Vân nối duyên với Kim Trọng.
Quyết định bán mình cũng là lúc cuộc đời Kiều bị đẩy vào những ngày tháng vào ra chốn lầu xanh đầy bi kịch bởi bàn tay của những phường buôn thịt bán người là Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh. Sau đó, Kiều được một khách làng chơi là Thúc Sinh cứu vớt ra khỏi chốn lầu xanh nhưng nàng lại bị Hoạn Thư – vợ Thúc Sinh ghen tuông và đày đọa hết sức tàn nhẫn.
Kiều bỏ trốn nhưng số phận lại đưa đẩy nàng vào tay Bạc Bà – cùng là kẻ cùng hội cùng thuyền với Tú Bà, nàng lại tiếp tục sống những tháng ngày ê chề, tủi nhục ở chốn lầu xanh. Tại nơi đây, nàng được người anh hùng Từ Hải chuộc về làm vợ và còn được giúp báo ân, báo oán. Những tưởng, cuộc đời Kiều trải bao sóng gió đã tìm được chút bình yên nhưng nào ngờ, Từ Hải lại bị giết do mắc mưu Hồ Tôn Hiến.
Sau Từ Hải, Kiều bị Hồ Tôn Hiến bắt hầu đàn, hầu rượu và còn bị ép gả cho thổ quan. Thế nên Kiều đã quyết định gieo mình xuống sông Tiền Đường để tìm lấy sự giải thoát. Lần tự vẫn này, nàng được sư Giác Duyên cứu sống và Kiều quyết định tìm đến cửa Phật để nương nhờ.
Sau rất nhiều những đau thương, Kiều cũng được trở về với bình yên và điều này được thể hiện ở phần cuối của truyện. Phần này kể việc Kim Trọng quyết tâm tìm Kiều sau thời gian chịu tang chú. Dù chấp nhận kết duyên cùng Vân theo ý nguyện của Kiều nhưng Trọng không thể nào quên được hình bóng của Kiều và những kỉ niệm như hoa như mộng của mối tình đầu đắm say.
May mắn đã cho Trọng gặp lại Kiều nhờ cuộc gặp tình cờ với sư Giác Duyên. Kiều được đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên trước mong muốn của mọi người là Kiều sẽ nối duyên với Kim Trọng thì nàng đã quyết định “đem tình cầm sắt đồi ra cầm kì” với chàng.

Dàn ý thuyết minh về truyện Kiều của Nguyễn Du
Mở bài thuyết minh về truyện Kiều của Nguyễn Du
- Giới thiệu đại thi hào Nguyễn Du cùng với kiệt tác truyện Kiều của ông.
- Nhấn mạnh giá trị mà “truyện Kiều” mang lại => thuyết minh về truyện Kiều.
Thân bài thuyết minh về truyện Kiều của Nguyễn Du
- Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du.
- Thuyết minh về truyện Kiều của Nguyễn Du
Tìm hiểu về hoàn cảnh sáng tác của truyện Kiều.
Tóm tắt cốt truyện của truyện Kiều.
- Giá trị tư tưởng và sức sống của truyện Kiều.
Thuyết minh về truyện Kiều qua giá trị tư tưởng.
Thuyết minh về truyện Kiều qua sức sống của tác phẩm.
Kết bài thuyết minh về truyện Kiều của Nguyễn Du
- Nhấn mạnh tài năng của đại thi hào Nguyễn Du khi tìm hiểu tác phẩm.
- Khẳng định những giá trị vĩnh hằng của tác phẩm khi thuyết minh về truyện Kiều.
Xem thêm:
- Phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao – Ngữ Văn 11
- Phân tích Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ – Ngữ Văn lớp 11
- Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh – Ngữ Văn Lớp 9
Như vậy, qua bài viết trên đây, DINHNGHIA.VN đã giúp bạn tìm hiểu và thuyết minh về truyện Kiều của Nguyễn Du lớp 9. Mong rằng những kiến thức trên sẽ cung cấp cho bạn những ý văn hay để tiến hành viết bài thuyết minh về truyện Kiều. Chúc bạn luôn học tốt!.