Sự phát triển của công nghệ và nhu cầu giải trí gia tăng, dẫn đến rất nhiều tựa game được ra đời. Một trong những thể loại game hấp dẫn với trải nghiệm mới lạ và thu hút nhiều game thủ là game FPS. Vậy game FPS là gì, được phát triển như thế nào và có gì nổi bật? Hãy cùng khám phá qua bài viết này nhé!
Nội dung bài viết
Game FPS là gì?
Định nghĩa
Game FPS là tên gọi tắt của game First Person Shooter – thể loại game bắn súng với góc nhìn thứ nhất, tức là góc nhìn từ chính nhân vật. Game FPS cho phép người chơi nhập vai và điều khiển nhân vật tham gia trận đấu súng. Tuy nhiên, với góc nhìn thứ nhất, bạn sẽ không nhìn thấy được toàn thân nhân vật mà mình đang điều khiển.
Các tựa game FPS được đánh giá là có lối chơi dễ tiếp cận. Bên cạnh game FPS, có một số tựa game hỗ trợ FPS (ban đầu được chơi với góc nhìn thứ 3 – nhìn toàn cảnh môi trường và nhân vật, nhưng sau đó đã được thêm vào tính năng FPS để tăng trải nghiệm chân thật cho game). Tuy nhiên, những tựa game này vẫn không được coi là game FPS.

Lịch sử phát triển
Game FPS được hình thành qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1970 – 1980
Hai tựa game Maze War và Spasim được phát triển nhằm giúp các nhà nghiên cứu hình dung về động lực học chất lưu thông qua góc nhìn thứ nhất, phục vụ cho thiết kế tàu vũ trụ. Về sau, chúng đã được thiết kế lại để trở thành game bắn súng, và được coi là hai tựa game đầu tiên đặt nền móng cho thể loại game FPS.
Các game giai đoạn này chưa cho phép nhìn thấy tay và vũ khí của nhân vật, nhưng chúng cũng có hầu hết các đặc điểm của game FPS hiện nay như: có thể thay đổi bản đồ game, chơi cùng lúc tối đa 8 người (7 nhân vật còn lại do máy tính điều khiển),… Ban đầu, các game này được lưu hành nội bộ, đến năm 1980 mới được bán rộng rãi trên thị trường.

Giai đoạn 1987 – 1992
Năm 1987, MIDI Maze – tựa game FPS đa nền tảng được phát hành, hỗ trợ trên cả Game Boy và Super NES. Đây là game FPS đầu tiên có nền đồ họa 3D (dù còn khá thô sơ), và cũng là tựa game FPS online đầu tiên cho phép nhiều người chơi thật cùng tham gia một trận đấu súng.
Tháng 05/1991, Id Software đã phát triển công nghệ chiếu tia tiên phong Hovertank 3D, cho phép mô phỏng các phương tiện trong game dễ dàng, từ đó hình ảnh trở nên sinh động hơn. Cùng với đó, kỹ thuật ánh xạ kết cấu đã giúp người chơi nhìn thấy phần tay cầm vũ khí của nhân vật mà mình nhập vai.

Giai đoạn 1992 – 1995
Gia đoạn này, game FPS đã trở nên phổ biến hơn với sự ra đời của hàng loạt tựa game đình đám như Wolfenstein 3D (1992), Doom (1993),… Game Wolfenstein 3D được xây dựng trên công nghệ chiếu tia cải tiến – nền tảng phát triển của game FPS cho đến tận ngày nay. Đây cũng là tựa game thành công tiếp cận mọi đối tượng khách hàng.
Còn Doom không chỉ thành công ở lối chơi mà đồ họa cũng tạo nên tiếng vang lớn. Không gian, bối cảnh trong game vô cùng đa dạng và sinh động, kết hợp các hiệu ứng cùng màu sắc tương phản, mang lại không gian trải nghiệm cực kỳ chân thật.

Giai đoạn 1995 – 1999
Là giai đoạn đánh dấu bước ngoặt đồ họa 3D của game FPS với hàng loạt tựa game được thiết kế với nền đồ họa tiên tiến bậc nhất bấy giờ như Geograph Seal, Duke Nukem 3D,… Người chơi có thể tùy ý di chuyển đến bất cứ đâu trong bản đồ. Công nghệ 3D đã phát triển đến mức nhà phát hành có thể tạo ra game dựa trên hình ảnh trong phim.

Giai đoạn 2000 – 2008
Game FPS ở giai đoạn này đã lấn sân mạnh mẽ sang thị trường tay cầm, tiêu biểu là tựa game Halo (1999) được chơi trên Xbox với tay cầm chuyên dụng. Giai đoạn này, game FPS kết hợp yếu tố kinh dị, giải đố cũng được hình thành với những tựa game huyền thoại như Metroid Prime hay Resident Evil.
Cùng với đó, hàng loạt game FPS tiết tấu nhanh được phát hành, yêu cầu người chơi phải liên tục hành động như Call of Duty, Doom 3, Resistance: Fall of Man,… Những tựa game này thu hút rất nhiều game thủ trên toàn thế giới với doanh thu cao ngất ngưởng.

Giai đoạn 2008 đến nay
Nhờ sức ảnh hưởng cũng như những hiệu ứng mà thể loại game FPS mang đến cho người chơi như rèn luyện phản xạ, khả năng xử lý tình huống, nâng cao tinh thần làm việc nhóm,… mà một số tựa game FPS (như CS:GO, Overwatch) đã trở thành bộ môn thể thao điện tử được công nhận trên toàn cầu.
Rất nhiều giải đấu cấp quốc gia, khu vực và quốc tế đã được tổ chức, tạo sân chơi thi đấu giữa các game thủ chuyên nghiệp. Thậm chí, việc rèn luyện và thi đấu đã trở thành công việc chính của nhiều game thủ do mức tiền thưởng vô cùng lớn, từ đó chất lượng các giải đấu cũng ngày càng được nâng cao.

Đặc điểm đặc trưng
Chiến đấu và trang bị
Game FPS có 2 phong cách chiến đấu chính là nhịp độ cao (hành động liên tục) và nhịp độ nhẹ nhàng (thiên về cốt truyện và giải đố logic). Hai phong cách này có thể được kết hợp trong trận chiến để tăng tính hấp dẫn.
Về trang bị, game FPS cũng được thiết kế đa dạng với nhiều loại súng khác nhau, đáp ứng mọi lối chơi. Ngoài ra, nhân vật còn được trang bị giáp, bình máu, vũ khí cận chiến (dao, kiếm,…), vũ khí phụ (súng lục, súng ngắn,…), lựu đạn, phụ kiện súng,… giúp tạo lợi thế giao tranh trong quá trình chiến đấu.

Thiết kế môi trường
Các game FPS hiện nay thường hạn chế người chơi di chuyển trong một khu vực nhất định, giới hạn bởi các bức tường vô hình và hữu hình, giúp các người chơi dễ tìm thấy nhau và phô diễn kỹ năng chiến đấu. Trong khi đó, một số game FPS khác lại cho phép người chơi di chuyển đến bất cứ đâu trong bản đồ.
Bối cảnh game sẽ phụ thuộc vào sự sáng tạo cũng như ý đồ của nhà phát hành game, tuy nhiên điểm chung là họ đều hướng đến mục tiêu tối ưu độ chân thật của bối cảnh, giúp người chơi có cảm giác như đang thật sự trải nghiệm thế giới trong game.

Nhiều người chơi và mang tính cạnh tranh cao
Thông thường, số lượng người chơi trong cùng 1 trận đấu game FPS là 10 người, chia làm 2 phe cạnh tranh gay gắt, vận dụng khả năng bắn, kế hoạch di chuyển và phối hợp để hạ gục đối phương và giành chiến thắng. Các game cho phép chơi trực tuyến, kết nối và tương tác với những người chơi khác, khoảng cách sẽ không còn là trở ngại.
Các nhân vật trong game FPS có thể do nhiều người chơi trực tiếp nhập vai hoặc được điều khiển bởi máy tính, đôi khi kết hợp cả hai. Mỗi nhân vật sẽ có những phong cách chơi và hành động khác nhau, từ đó tạo nên nhiều tình huống hấp dẫn, mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho game thủ trong mỗi trận chiến.

Sự khác nhau giữa 2 dòng game TPS và FPS
TPS và FPS đều là các thể loại game bắn súng được nhiều người ưa chuộng. Về cơ bản, hai thể loại game này có các điểm khác biệt sau:
- Góc nhìn: FPS là game bắn súng với góc nhìn thứ nhất, trong khi game TPS cho góc nhìn thứ ba, cho phép người chơi nhìn toàn thân nhân vật mà mình điều khiển.
- Tương tác môi trường: Game FPS mang đến góc nhìn chân thật và nhập vai tốt hơn, còn game TPS thường có góc nhìn rộng hơn, giúp người chơi tương tác và điều khiển nhân vật linh hoạt hơn.

- Kỹ năng: Cả hai thể loại đều có những tựa game đề cao tính chiến thuật, tuy nhiên xét về kỹ năng thì kỹ năng cá nhân trong game FPS đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định đến 80% cơ hội chiến thắng trong các trận đấu.
- Sự phối hợp giữa các người chơi: Nhìn chung, game TPS thường mang tính chiến thuật cao hơn so với FPS. Mỗi thành viên trong đội đều đóng vai trò nhất định, đòi hỏi kết hợp chặt chẽ để chiến thắng. Trong khi đó, yếu tố chiến thuật trong game FPS đôi khi chưa cần thiết, bạn có thể hạ gục kẻ địch nếu sở hữu kỹ năng bắn súng tốt.

Xem thêm:
- Game Sandbox là gì? Nguồn gốc, ứng dụng trong giáo dục
- Game Loop là gì? Ưu và nhược điểm của phần mềm
- Bug Game là gì? 3 loại Bug game thường gặp nhất
Vừa rồi là những thông tin chia sẻ về thể loại game FPS. Hy vọng rằng bài viết đã giúp bạn hiểu game FPS là gì, cũng như đặc điểm nổi bật và những khác biệt so với dòng game TPS. Theo dõi DINHNGHIA để cập nhật thêm nhiều kiến thức thú vị nhé!