Nếu bạn là người đam mê nấu ăn, đặc biệt là với các món bánh thì chắc hẳn không còn xa lạ gì với bột nếp – nguyên liệu cơ bản và quen thuộc giúp chế biến ra nhiều món bánh thơm ngon, hấp dẫn. Vậy bột nếp là gì, dùng để làm gì? Và có những loại nào phổ biến? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Nội dung bài viết
Bột nếp là gì?
Bột nếp (hay bột gạo nếp) là loại bột mịn có màu trắng tinh được xay từ gạo nếp, có chứa amylopectin – hợp chất tạo sự kết dính, dai và quánh dẻo khi trộn với nước. Loại bột này có tên tiếng Anh là Sticky Rice Flour hay Glutinous Rice Flour, là nguyên liệu làm bánh quen thuộc và phổ biến, đặc biệt ở các nước châu Á.
Bột nếp có chứa hàm lượng vitamin B1, vitamin PP dồi dào cùng các chất dinh dưỡng và khoáng chất thiết yếu như protid, glucid, canxi, sắt, photpho, xeluloza,… Ở Việt Nam, bột nếp được dùng để nấu xôi, chè, bánh trôi, bánh rán, rượu nếp cẩm, đặc biệt là nguyên liệu không thể thiếu để làm bánh chưng, bánh tét,…

Các loại bột nếp
Bột nếp chín
Bột nếp chín còn có tên gọi khác là bột nếp dẻo hay bột nếp rang. Khác với bột nếp thông thường, bột nếp chín được tạo ra bằng cách nổ gạo nếp thành bỏng, sau đó xay bỏng ra lấy bột thành phẩm. Bột nếp chín có đặc điểm nhẹ, màu trắng mịn, không có mùi, quy trình tạo ra rất an toàn, không chất bảo quản.
Bột nếp chín rất dẻo, đặc biệt, bánh làm từ loai bột này có thể dùng ngay mà không cần nấu hay hấp lại. Đây là nguyên liệu làm bánh dẻo Trung Thu hay bánh mochi Nhật Bản. Đôi khi, người ta cũng sử dụng loại bột này để sên cùng nhân bánh.

Bột nếp Thái Lan
Như tên gọi, bột nếp Thái Lan được sản xuất tại xứ sở Chùa Vàng, với nguyên liệu từ 100% hạt gạo nếp dẻo đặc trưng được chọn lọc của Thái Lan. Loại bột này rất dẻo, dai, thơm ngon, có màu trắng tự nhiên cùng giá trị dinh dưỡng dồi dào.
Bột nếp Thái Lan cũng khá phổ biến trên thị trường, thường được sử dụng để chế biến các món ăn truyền thống thơm ngon, mềm dẻo, đậm đà như nấu chè, bánh chưng, bánh tét, bánh bò, bánh ít trần, bánh trôi nước,…

Bột nếp Nhật Bản
Bột nếp Shiratamako
Bột nếp Shiratamako (còn có tên gọi khác là bột gạo ngọt) là loại bột nếp được làm từ gạo mochigome – một loại gạo nếp hạt tròn, ngắn của Nhật Bản. Quy trình xử lý của loại bột này khá đặc biệt với các công đoạn: rửa, ngâm, nghiền mịn với nước rồi đem ép, sấy khô, sau đó nghiền thành hạt bột thô thành phẩm.
Loại bột nếp này có hương vị và kết cấu đặc trưng, khác biệt so với bột gạo nếp của Việt Nam. Đây cũng là nguyên liệu không thể thiếu khi làm món bánh Wagashi Nhật Bản.

Bột nếp Mochiko
Bột nếp Mochiko cũng là một loại bột nếp đặc trưng của xứ sở hoa anh đào. Loại bột này được làm từ gạo mochigome của Nhật Bản, có độ mềm dẻo và dai hơn so với các loại bột nếp thông thường.
Bột nếp Mochiko là nguyên liệu quen thuộc để chế biến các loại bánh nếp, đặc biệt là bánh mochi. Mặc dù có độ dẻo, dai và thơm ngon, tuy nhiên các loại bánh làm từ bột này thường dễ bị dính, dễ chảy và khó bảo quản được lâu.

Sự khác biệt giữa bột nếp Shiratamako và Mochiko
Mặc dù đều là các loại bột được làm từ gạo nếp Nhật Bản và là nguyên liệu tạo ra món bánh mochi nổi tiếng, nhưng bột nếp Shiratamako và Mochiko vẫn có những điểm khác biệt rõ ràng, dễ thấy nhất là trong kết cấu và hương vị của những chiếc bánh làm từ hai loại bột này.
Bánh mochi làm từ bột nếp Shiratamako có kết cấu sánh mịn nhưng không nhão, độ nẩy và đàn hồi cao hơn, trong khi mochi được làm từ bột Mochiko thì mềm và có độ nhão, ít đàn hồi hơn, dễ chảy hơn. Bánh làm từ bột Mochiko thường chỉ sử dụng trong ngày, không bảo quản được lâu như bột Shiratamako.
Ngoài ra, quy trình sản xuất bột nếp Shiratamako phức tạp và nghiêm ngặt hơn so với bột nếp Mochiko, đồng thời có nhiều ưu điểm hơn. Do đó, giữa hai loại bột này thì Shiratamako sẽ có giá thành cao hơn.

Bột nếp làm bánh gì ngon?
Bột nếp là một trong những nguyên liệu rất phổ biến, được sử dụng nhiều trong việc chế biến các loại bánh quen thuộc thường ngày cho đến các dịp lễ, Tết cổ truyền của người Việt cũng như các nước trên thế giới. Các loại bánh làm từ bột nếp rất đa dạng với nhiều cách chế biến khác nhau, tuy nhiên điểm chung là đều dẻo và thơm ngon.
Loại bột này là nguyên liệu không thể thiếu để làm ra nhiều loại bánh thơm ngon, đậm đà hương vị và bổ dưỡng như: bánh nếp chiên, bánh bột nếp hấp, bánh gạo nếp đào, bánh tro, bánh đúc, bánh chưng, bánh giầy, bánh mật, bánh mochi, tokbokki,…

Bột nếp bao nhiêu tiền? Mua ở đâu?
Tùy thuộc vào chủng loại, nơi sản xuất cũng như tính ứng dụng mà các loại bột nếp có mức giá khác nhau. Giá từng loại (cập nhật tháng 05/2023) dao động như sau:
- Bột nếp chín: khoảng 45 – 66 nghìn đồng/kg.
- Bột nếp Thái Lan: khoảng 50 – 70 nghìn đồng/kg.
- Bột nếp Shiratamako: khoảng 598 – 650 nghìn đồng/kg.
- Bột nếp Mochiko: khoảng 350 – 500 nghìn đồng/kg.
Bạn có thể tìm mua các loại bột nếp tại chợ truyền thống, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh hay mua online tại nhà qua các kênh thương mại điện tử uy tín để đảm bảo mua đúng loại bột chất lượng, an toàn khi sử dụng nhé!

Xem thêm
- Bột nở là gì? Cách bảo quản và các loại bột nở phổ biến
- Bánh cuốn là gì? Có các loại nào? Ăn bánh cuốn có béo không?
- Tacos là gì? Cách làm món bánh Tacos giòn rụm chuẩn vị Mexico
Vừa rồi là những chia sẻ về bột nếp – nguyên liệu quen thuộc để làm nên những món bánh thơm ngon. Hy vọng rằng bài viết đã giúp bạn hiểu bột nếp là gì, cũng như các loại bột nếp thông dụng hiện nay. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy lưu lại và chia sẻ cho người thân, bạn bè nhé!